VIMEXPO 2021 GÓP PHẦN THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NGÀNH CƠ KHÍ CHẾ TẠO VIỆT NAM

Thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ 2021 được Thủ tướng phê duyệt, Triển lãm VIMEXPO 2021 góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ, giúp các doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam kết nối để phát triển.

Thực trạng ngành cơ khí chế tạo

Ngành cơ khí chế tạo có vị trí rất quan trọng, là cơ sở, động lực cho các ngành công nghiệp khác phát triển; có nhiệm vụ cung cấp toàn bộ trang thiết bị cho các ngành công nghiệp chế biến nông sản, giao thông vận tải và các trang thiết bị cho việc bảo vệ an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, sản phẩm của ngành cơ khí chế tạo hiện có sức cạnh tranh thấp; đầu tư của các doanh nghiệp trong nước chắp vá, dàn trải; công nghệ sản xuất khép kín, lạc hậu; thiết bị chậm được đổi mới, hiệu quả chưa cao; thậm chí chưa đủ sức chiếm được thị phần trong nước.

Tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều thiếu vốn; công nghệ, thiết bị chế tạo còn lạc hậu, sản xuất còn manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm công nghệ cao; vốn ít, việc tiếp cận vốn của ngân hàng với lãi suất thấp hết sức khó khăn.

Việc đầu tư của ngành cơ khí chế tạo những năm qua còn phân tán và chưa đồng bộ, chưa có một cơ sở chế tạo nào đủ mạnh làm đòn bẩy thúc đẩy toàn ngành. Việc phối hợp liên kết chưa thực hiện được cũng vì thiếu những chuyên ngành cơ khí cần thiết như các dự án sản xuất phôi thép rèn, đúc chất lượng cao, khối lượng lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến; thiếu các cơ sở có máy gia công chế tạo thiết bị lớn; thiếu nhân lực chất lượng cao cho ngành kể cả cán bộ hoạch định chính sách, quản lý, tư vấn, thiết kế, công nhân kỹ thuật có tay nghề…

Sản phẩm của ngành cơ khí chế tạo trong nước có sức cạnh tranh thấp

Triển vọng phát triển

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, với đất nước có gần 100 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân luôn ở mức 6% – 6,5%/năm, quy mô của nền kinh tế trên 250 tỷ USD, có thể xác định quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo ở Việt Nam giai đoạn 2019 – 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Đó là giá trị máy móc, thiết bị, cấu kiện cho các công trình nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản (khoảng 120 tỷ USD); máy xây dựng, nông nghiệp và chế biến nông, lâm sản (15 tỷ USD); các loại thiết bị tiêu chuẩn, như quạt, động cơ, thiết bị thủy lực… (khoảng 10 tỷ USD), thiết bị cho đường sắt tốc độ cao (khoảng 35 tỷ USD), đường sắt đô thị (10 tỷ USD) và công nghiệp ôtô (120 tỷ USD). Đó là thị trường “mơ ước” đủ lớn, để phát triển ngành cơ khí chế tạo.

Bên cạnh đó, với việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và các công ty đa quốc gia có thể chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước thứ ba được coi là cơ hội phát triển tốt cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam trong năm 2021 và những năm tới. Tuy nhiên, để đón được cơ hội này, các doanh nghiệp phải chuẩn hóa về sản phẩm, từ nguyên liệu đến các khâu sản xuất và giá thành cạnh tranh. Muốn làm được điều này, buộc các doanh nghiệp phải liên kết mạnh mẽ hơn.

VIMEXPO 2021 giúp doanh nghiệp kết nối để phát triển

Ngày 6/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, đưa ra nhiều giải pháp sát sườn với sự phát triển của ngành cơ khí chế tạo, như tiếp tục chính sách ưu đãi lãi suất với doanh nghiệp cơ khí chế tạo; nâng cao năng lực doanh nghiệp qua việc xây dựng các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển cơ khí vùng từ vốn đầu tư của trung ương và địa phương; thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp đa quốc gia…

Với mục tiêu “Kết nối để phát triển”, VIMEXPO 2020 là triển lãm chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo lần đầu tiên được tổ chức nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ, đưa ra các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. VIMEXPO 2020 đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, hiệp hội chuyên ngành, tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong nước và quốc tế.

Đại diện tổ chức quốc tế tham quan gian hàng cơ khí chế tạo tại VIMEXPO 2020

Tiếp nối thành công của kỳ triển lãm đầu tiên, Triển lãm quốc tế lần thứ 2 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2021 sẽ quay trở lại từ ngày 27 đến 29/10/2021 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hanoi, do Bộ Công Thương chỉ đạo, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp – Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương chủ trì, Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm CIS Vietnam tổ chức. Thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ 2021 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VIMEXPO 2021 có quy mô trưng bày 7000m2 với gần 300 gian hàng thuộc các lĩnh vực: cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô, điện tử, công nghiệp công nghệ cao, da giày và dệt may. Triển lãm sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam và quốc tế gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm mới và những thành tựu công nghiệp hỗ trợ tiên tiến hàng đầu, tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển.

CHIA SẺ TIN