Vì sao ngành công nghiệp hỗ trợ “chậm lớn”?

Khó phát triển do thiếu vốn

Thông tin từ Hiệp hội DN ngành CNHT TP Hà Nội (HANSIBA), hiện tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đạt khoảng 5 – 20%; điện tử 5 – 10%; da giầy, dệt may 30%; cơ khí chế tạo tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 15-20%. Việc tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm CNHT thấp dẫn tới khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD (riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35 – 50 tỷ USD).

Các DN CNHT trao đổi liên kết tại Hội chợ CNHT Hà Nội 2022
Các DN CNHT trao đổi liên kết tại Hội chợ CNHT Hà Nội 2022

Lý giải nguyên nhân khiến ngành CNHT Việt Nam chậm lớn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giang Sơn Nguyễn Ngọc Sơn phản ánh, là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cung ứng các linh phụ kiện ngành điện công nghiệp, dân dụng… nhưng khi muốn phát triển sản xuất kinh doanh lại gặp khó khăn trong việc tiệm cận nguồn vốn. “Mặc dù Nhà nước đã ban hành chính sách, song cơ chế cho vay từ các ngân hàng và tổ chức tài chính còn nhiều bất cập, khiến ưu đãi vẫn chưa đến được với DN” – ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Đồng tình với phản ánh này, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) Trương Thị Chí Bình nêu rõ, hiện hầu hết nguyên liệu CNHT nhập khẩu, trong khi DN phải vay vốn với lãi suất 7,5 – 8,5%/năm, còn nhiều nước trên thế giới chỉ 1%, cao lắm khoảng 4 – 5%/năm. Việc DN vay vốn lãi suất cao dẫn đến giá thành sản xuất cao hơn ít nhất 20% so với giá hàng ngoại nhập, nên khó kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Là DN FDI có nhu cầu lớn về vật tư, linh kiện có thể được cung cấp bởi các DN CNHT trong nước, Phó Giám đốc Văn phòng Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Canon Việt Nam Đào Thị Thu Huyền, cho biết, hiện Canon có 59 nhóm linh kiện cần nội địa hóa, nhưng các DN Việt Nam mới chỉ có khả năng cung cấp một số sản phẩm nhựa, bao bì đóng gói, linh kiện in ấn…Trong khi để sản xuất ra 1 chiếc máy in, Canon cần tới gần 400 linh kiện với nhiều chủng loại khác nhau.

“DN luôn tìm kiếm thêm các nhà cung cấp mới tại Việt Nam nhưng chủ yếu vẫn chỉ đáp ứng được một số linh kiện bằng nhựa” – bà Đào Thị Thu Huyền cho biết. Khó khăn về nguồn vốn cộng thêm vướng mắc khi thuê mặt bằng mở nhà xưởng là nỗi khó chung của nhiều DN CNHT.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hikari P&T Vietnam Nguyễn Đức Cường bày tỏ, là DN sản xuất kinh doanh chuyên về lĩnh vực cung ứng linh phụ kiện ngành nhựa và ngành cơ khí, nên DN có nhu cầu mở rộng nhà máy đáp ứng được các đơn hàng cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật từ đối tác toàn cầu… nhưng đang gặp khó khăn về kinh phí thuê mặt bằng. “Đơn vị có định hướng thuê đất và đầu tư tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, nhưng giá thuê đất còn tương đối cao nên đầu tư ở Hà Nội cao gấp 5 lần các địa phương lân cận” – ông Nguyễn Đức Cường nêu ví dụ.

Gỡ rào cản để phát triển

Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành CNHT phát triển đòi hỏi phải có “trợ lực” của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định giúp DN phát triển bền vững.

DN CNHT giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ CNHT Hà Nội 2022
DN CNHT giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ CNHT Hà Nội 2022

Phó Chủ tịch HANSIBA Lê Quý Khả kiến nghị các bộ, ngành cần khuyến khích công ty đa quốc gia, công ty FDI thực hiện nội địa hóa thông qua những chính sách khuyến khích về thuế, lao động, nghiên cứu phát triển… Đồng thời tạo thuận lợi đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, liên kết giữa DN CNHT Việt Nam nói chung, công nghiệp chế tạo nói riêng với công ty nước ngoài…

Để duy trì lợi thế cạnh tranh ngành CNHT, đặc biệt là cho các DN sản xuất nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long nêu rõ, Chính phủ cần sớm xây dựng Luật CNHT trình Quốc hội và ban hành trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các DN thuộc ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5 – 10% trên tổng số DN Việt Nam.

“Để phát triển ngành CNHT, Nhà nước cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế, tránh tình trạng “nhà nhà” phát triển CNHT qua đó hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực và cạnh tranh không cần thiết” – ông Đào Phan Long nêu rõ.

Trong khi đó, Chủ tịch Hansiba Nguyễn Hoàng đề xuất Chính phủ và DN cùng song hành lấy Cách mạng công nghiệp 4.0 để đi thẳng vào mục tiêu phát triển ngành CNHT, công nghệ cao… Muốn làm được điều này, cần cho phép các doanh nghiệp CNHT được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc, công nghệ cao; Quy định chi tiết từng vùng kinh tế để đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp chuyên sâu CNHT.

Để CNHT phát triển đột phá, Chính phủ cần yêu cầu các tập đoàn nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam phải nội địa hoá từng năm, đặt hàng DN Việt cung cấp linh kiện qua đó hưởng những chính sách hỗ trợ thuế của Việt Nam tương ứng với tỷ lệ % đặt hàng nội địa hoá.

“Đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, bảo hộ DN CNHT không vi phạm các quy định các hiệp định kinh tế quốc tế đã và sẽ ký với quốc tế. Cộng đồng DN nhận thấy rằng, việc áp dụng và xây dựng, phát triển ngành CNHT Việt Nam có sự điều tiết của Nhà nước là điều vô cùng cấp thiết” – ông Nguyễn Hoàng nêu rõ.

Trước những kiến nghị của DN CNHT, thông tin những giải pháp hỗ trợ DN CNHT Hà Nội phát triển, tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để hỗ trợ DN CNHT phát triển đủ năng lực cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, TP Hà Nội sẽ hỗ trợ DN trong việc kết nối trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; Hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu. Đồng thời song hành cùng DN trong việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Đặc biệt “TP Hà Nội xây dựng quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn TP Hà Nội” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Phản ánh, kiến nghị của DN, chuyên gia cho thấy để ngành CNHT phát triển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu bên cạnh sự nỗ lực của DN đòi hỏi Nhà nước cần sớm đưa chính sách vào cuộc sống.

CHIA SẺ TIN