Triển vọng tích cực của đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Theo Vietnam Briefing, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện có tiềm năng đầy hứa hẹn, đặc biệt là các ngành trọng điểm như điện tử và ô tô.

Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam hiện mới chỉ ở mức 36% và tỷ lệ sử dụng linh kiện nội địa thấp. Hiện cả nước chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp tham gia sản xuất công nghiệp phụ trợ, chiếm khoảng 0,2% trong tổng số khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Đây là những con số thấp khi so sánh với các nước Đông Nam Á khác. Do đó, các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng do lĩnh vực sản xuất đang phát triển và đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Vietnam Briefing đánh giá.

Đối với ngành công nghiệp ô tô, nhờ vào tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sản xuất, lắp ráp ô tô mới ở mức lắp ráp cơ bản và chưa đạt đến trình độ chuyên môn hóa cao.Để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, chính phủ đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, có ưu đãi thuế cho sản xuất và lắp ráp ô tô, phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.Về ngành sản xuất công nghệ cao, Việt Nam đang đặt mục tiêu làm chủ một số công nghệ cao, hướng đến xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh giá trị xuất khẩu hàng công nghệ cao vào năm 2030.

Theo Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 được Thủ tướng ban hành đầu năm 2021, đến năm 2030, Chính phủ muốn phát triển 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

CHIA SẺ TIN