Thị trường ngành cơ khí 800 tỷ USD: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?

Hầu hết các nước phát triển đều có ngành cơ khí rất mạnh bởi đây là ngành công nghiệp “xương sống” của một quốc gia. Tuy nhiên, ở nước ta, ngành cơ khí chưa thực sự phát triển xứng tầm, thậm chí còn bị đánh giá là ngày càng tụt hậu, chịu thua thiệt ngay chính trên “sân nhà”. Trong bối cảnh các dự báo cho thấy nhiều cơ hội mở ra trong giai đoạn tới, đâu là giải pháp để ngành cơ khí lớn mạnh và đóng góp vào mục tiêu phát triển của đất nước?

Sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước khó “chen chân” vào các dự án, công trình có vốn đầu tư lớn. Ảnh: Tiên Giang
Sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước khó “chen chân” vào các dự án, công trình có vốn đầu tư lớn. Ảnh: Tiên Giang

Đánh giá về sự phát triển của ngành cơ khí Việt Nam, ông Dương Toàn Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Citicom – một trong những doanh nghiệp (DN) chuyên cung cấp các sản phẩm thép cho ngành cơ khí chế tạo cho rằng, ngành cơ khí nước nhà chưa thực sự phát triển xứng với tiềm năng, thậm chí thua trên “sân nhà”. Nhiều dự án, công trình có vốn đầu tư lớn nhưng sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước vẫn khó “chen chân”.

Đề cập về nguyên nhân của tình trạng này, ông Trung cho rằng, do mô hình sản xuất manh mún, lạc hậu, thiếu kết nối nên rất nhiều DN cơ khí trong nước phải đương đầu với những thách thức lớn, vấp phải sự canh tranh gay gắt từ DN nước ngoài.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty TNHH Cơ khí đúc Toàn Thắng cho rằng, cả khu vực nhà nước và tư nhân đều không có DN cơ khí tầm cỡ, có thể dẫn dắt các DN trong ngành phát triển, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.

Sản xuất cơ khí tụt hậu nên phần lớn sản phẩm phục vụ cho các ngành công nghiệp khác đều phải nhập khẩu; khâu sửa chữa, thay thế phụ tùng cũng phụ thuộc vào hàng ngoại… làm lãng phí rất nhiều thời gian và tiền bạc. Chẳng hạn, một trong những nguyên nhân khiến miền Bắc thiếu điện vừa qua là thiết bị ở một số tổ máy nhiệt điện bị hỏng hóc, phải mang ra nước ngoài sửa chữa.

Nhận định về cơ hội của ngành cơ khí thời gian tới, TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí (VAMI) cho biết, theo quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, có thể sơ bộ đánh giá độ lớn thị trường cho ngành cơ khí giai đoạn 2021 – 2045 khoảng 800 tỷ USD. “Nếu làm chủ được việc thiết kế, chế tạo cơ khí, không chỉ các dự án, công trình của đất nước không bị phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài, mà các chủ đầu tư còn tiết giảm đáng kể chi phí. Thông thường, giá thành máy móc thiết bị hoặc công trình công nghiệp chế tạo trong nước rẻ hơn mua từ nước ngoài từ 10% đến 30%”, ông Sáng cho biết.

Cơ hội thị trường lớn, song để các DN cơ khí trong nước có thể cung cấp 50 – 60% nhu cầu là không đơn giản. “Nếu không có những cơ chế, chính sách phù hợp cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành thì việc tồn tại của DN cơ khí cũng là vấn đề khó khăn chứ chưa nói đến phát triển”, ông Sáng nhìn nhận.

Để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, lãnh đạo VAMI đề xuất, có thể phân loại đơn hàng của DN cơ khí theo 2 nhóm để có cách tiếp cận chính sách phù hợp. Nhóm thứ nhất là đơn hàng cho sản phẩm chủ lực, thường được đầu tư bởi những DN lớn, phần lớn sử dụng vốn đầu tư công (hệ thống đường sắt cao tốc, hệ thống giao thông trong thành phố, các nhà máy điện, hóa chất, nhà máy khai khoáng…). Nhóm thứ hai là các đơn hàng thông dụng như: đồ gia dụng, các chi tiết, sản phẩm cơ khí tiêu chuẩn với số lượng rất nhiều nhưng giá trị cho một sản phẩm thường không lớn.

Theo đó, đối với nhóm đơn hàng thứ nhất, cần xây dựng chiến lược, lộ trình để đáp ứng được nhu cầu với việc triển khai một số công việc thiết yếu: giao cho một số viện nghiên cứu và DN nghiên cứu về việc thiết kế, công nghệ chế tạo các hạng mục thiết bị này. Với những hạng mục có thể chế tạo trong nước nhưng chưa làm chủ về công nghệ, cần có lộ trình về mua, nhận chuyển giao công nghệ; ngoài ra cần có các cơ chế chính sách phù hợp (tín dụng, kích cầu, đào tạo, khai thác tài nguyên…) để bảo đảm lộ trình này khả thi. Với nhóm đơn hàng thứ hai, tiếp tục có cơ chế chính sách phù hợp, loại bỏ những quy định gây khó khăn cho DN.

Từ thực tiễn kinh doanh của DN, ông Trung khuyến nghị, các DN cơ khí cần liên hệ, hợp tác với nhau nhiều hơn thông qua kết nối số. DN cũng cần tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng số để đẩy mạnh chuyên môn hóa các khâu trong chuỗi sản xuất, bởi đây có thể là động lực mới để ngành cơ khí phát triển trong tương lai.

CHIA SẺ TIN