Thách thức và cơ hội của công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam

Công nghiệp phụ trợ là điều tiên quyết giúp các thương hiệu tăng cường sản xuất, giảm giá thành ô tô. Bên cạnh những tồn đọng cần khắc phục, lĩnh vực này đang mang tới nhiều dấu hiệu tích cực vào năm 2023. 

Ngành công nghiệp phụ trợ ô tô gặp cảnh bấp bênh

Trong tháng 1/2023, sản lượng tiêu thụ xe du lịch ở nước ta giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, tác động nặng nề đến ngành lắp ráp ô tô, đặc biệt là thị trường công nghiệp phụ trợ.

Theo Phan Đăng Tuất – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) phát biểu: “Sản lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam chưa đạt mức trung bình 500.000 xe/năm, các sản phẩm chủ yếu đến từ việc nhập khẩu và lắp ráp. Điều này khiến nền công nghiệp ô tô nước ta chưa thể kiện toàn”.

Đồng thời, lĩnh vực khoa học kỹ thuật tại nước ta chưa đủ phát triển để đáp ứng cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Kết quả, các doanh nghiệp Việt hiện chưa thể chế tạo một mã kim loại và mắt ghép trên ô tô, khiến việc tự chủ sản xuất khó khả thi.

Cùng với đó, nhiều cơ sở chế tạo phụ tùng cũng gặp một số rào cản khi bán sản phẩm. Đến hết năm 2023, dự kiến có 38 đơn vị sở hữu chứng chỉ chứng chỉ IATF 16949 (bộ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng dành riêng cho công nghiệp ô tô được Hiệp hội Ô tô Quốc tế công nhận). Con số kể trên được đánh giá quá ít để thúc đẩy nền công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

Trên thực tế, các tập đoàn sản xuất, lắp ráp trong nước đều thừa nhận chưa thể dẫn dắt doanh nghiệp chế tạo những linh kiện cốt yếu, hầu hết phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi đó, đặc thù của công nghiệp hỗ trợ là tạo ra các linh kiện để chắp nối, giúp tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Nghịch cảnh này khiến các doanh nghiệp chế tạo linh kiện xe hơi chật vật tìm kiếm khách hàng.

Cuối cùng, Chính phủ hiện vẫn chưa ban hành những chính sách phù hợp để khuyến khích nền công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phát triển. Về vấn đề này, ông Phan Đăng Tuất nhận định: “Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, những đạo luật liên quan tới công nghiệp hỗ trợ đã được dần hình thành từ giữa thế kỷ XX. Điều này giúp nền công nghiệp xe hơi tại hai quốc gia này phát triển vượt bậc, trở thành những ông lớn trên thế giới”.

“Trong khi đó tại Việt Nam, dù thị trường xe hơi đã hình thành khoảng 30 năm, Bộ Luật về công nghiệp hiện mới bắt đầu trên đà soạn thảo, trong đó chỉ bao gồm một chương về Công nghiệp hỗ trợ. Sự trì trệ này khiến ngành công nghiệp hỗ trợ khó phát triển, trong khi đây là cốt lõi, linh hồn của nền công nghiệp nước nhà”, vị Chủ tịch Hiệp hội VASI nhận định.

CHIA SẺ TIN