Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da giày hợp lý để tận dụng tốt các cơ hội

Theo nhận định của các chuyên gia, ngành da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại, nhưng việc có thể tận dụng được hay không thì cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nguyên phụ liệu trong nước.

Kim ngạch xuất khẩu giày dép của nước ta tăng liên tục qua các năm.

Nhiều cơ hội lớn

Xuất khẩu da giày Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giày dép của nước ta tăng gần như liên tục qua các năm. Từ năm 1998, giày dép đã tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và nhanh chóng “ghi danh” trong nhóm có kim ngạch cao. Kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt trên 2 tỷ USD vào năm 2003, trên 5 tỷ USD vào năm 2010, trên 10 tỷ USD vào năm 2014 và trên 17,7 tỷ USD năm 2021, cao gấp 2.164,8 lần năm 1986.

Giày dép của Việt Nam có thị trường rộng lớn, đã hiện diện ở 44 thị trường chủ yếu, trong đó, năm 2021, có hơn 20 thị trường đạt giá trị xuất khẩu trên 100 triệu USD, như Mỹ, Trung Quốc, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc… Quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 5,288 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng cao trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước và nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Niên giám Da giày thế giới năm 2021 vừa được công bố, lần đầu tiên, Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu với khoảng 1,2 tỷ đôi giày trong năm 2020, đứng thứ hai thế giới về lượng xuất khẩu da giày.

Điểm yếu của CNHT ngành da giày

Theo nhận định của các chuyên gia, tuy ngành da giày đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại như: CPTPP, EVFTA… nhưng việc có thể tận dụng được hay không thì cần phải phát triển CNHT, nguyên phụ liệu trong nước.

CNHT ngành da giày vẫn bị đánh giá là còn điểm yếu. Các báo cáo cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giày dép của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm tới 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giày dép. Trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khoảng 300 triệu đô la Mỹ nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp này.

Trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nguyên phụ liệu chiếm tới 68 – 75%, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40 – 45%. Toàn ngành có 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp, khiến cho các nhà sản xuất da, giày khó chủ động được đơn hàng và nguồn nguyên liệu.

Nguyên phụ liệu cho ngành mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của ngành đạt được không cao. Hàng năm, các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu các phụ liệu như: Da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…

Phát triển CNHT ngành da giày hợp lý

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của CNHT ngành da giày đạt 75 – 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Năm 2022, ngành da giày đặt kỳ vọng cán mốc xuất khẩu 20 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2021 giữ vững vị trí thứ 5 trong các nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch cao của cả nước. Để đạt được mục tiêu này, theo chuyên gia, các doanh nghiệp trong ngành cần lưu ý đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, vì hiện nay, một lượng nguyên liệu lớn cho ngành vẫn phải nhập khẩu, một số khâu công việc vẫn phải thuê lao động kỹ thuật cao của nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh phát triển CNHT ngành da giày, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đại diện Bộ Công Thương, da giày là ngành thời trang, thay đổi liên tục, do đó cần phát triển CNHT sao cho hợp lý. Bộ Công Thương sẽ có hỗ trợ chính sách, còn việc hiện thực hóa hiệu quả các chính sách này rất cần sự chủ động của doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, nằm bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại trong thời gian tới.

CHIA SẺ TIN