Ninh Bình: Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô phát triển nhanh chóng

(Chinhphu.vn) – Tại Ninh Bình, công nghiệp phụ trợ phát triển nhanh chóng không chỉ góp phần làm tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô mà còn tăng thu nhập, việc làm của công nhân, lao động với mức lương trung bình đạt từ 7-10 triệu đồng 1 người/tháng.

photo-1666669050969

Lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (KCN Gián Khẩu – Gia Viễn)

Từ khi đầu tư tại tỉnh từ năm 2007 cho đến nay, Dự án liên doanh ô tô Hyundai của Tập đoàn Thành Công liên tục có bước tăng trưởng về quy mô, sản lượng, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này. Theo thông tin từ Báo Ninh Bình, đến nay công suất đạt 130 nghìn xe/1 năm, gấp hơn 2 lần so với năm đầu khi mới đi vào sản xuất. Dự kiến khi giai đoạn 2 của nhà máy 2 hoàn thiện vào năm 2025, tổng công suất sản xuất và lắp ráp xe Hyundai tại tỉnh sẽ đạt 180.000 xe/năm.

Kết quả này là minh chứng cho thấy hiệu quả của các cơ chế, chính sách thu hút ngành công nghiệp ô tô của tỉnh, đặc biệt là với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 13/2/2017 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Đặc biệt, ô tô là sản phẩm được cấu thành từ hơn 3.000 phụ tùng, linh kiện khác nhau. Riêng đối với ô tô con, số linh kiện, phụ tùng có thể từ hơn 20.000 đến 30.000, được sản xuất từ nhiều ngành, nghề khác nhau, chủ yếu là cơ khí, điện tử, cao su-nhựa, trong đó nhiều phụ tùng lại được lắp ráp từ vài chục đến vài trăm linh kiện như động cơ, hộp số. Do đó, khi sản xuất và lắp ráp ô tô phát triển sẽ kéo theo các ngành công nghiệp phụ trợ. Sự phát triển mạnh mẽ của Nhà máy Hyundai Thành Công cũng như những chính sách của tỉnh đã thu hút hàng loạt các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô đến đầu tư tại Ninh Bình.

Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được hàng chục dự án đầu tư vào sản xuất linh kiện, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô như: Dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị ô tô của Công ty TNHH ADM 21, công suất 20 triệu sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Khánh Phú; Công ty cổ phần Sejung tại Cụm công nghiệp Cầu Yên, sản xuất ống xả, linh kiện ống xả, động cơ, khuôn mẫu phục vụ sản xuất ống xả, công suất 570.500 sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất lắp ráp bộ dây cáp điện ô tô ESMO VINA, Cụm công nghiệp Gia Phú, công suất 450.000 sản phẩm/ năm; Nhà máy SAMSE VINA, Cụm công nghiệp Cầu Yên sản xuất cáp đồng trục tự động cho ô tô, công suất 400 tấn/năm; dự án của Công ty Daewon Auto Vina tại Khu công nghiệp Phúc Sơn, công suất 100.000 sản phẩm ghế ngồi ô tô/năm…

Công nghiệp phụ trợ phát triển nhanh chóng không chỉ góp phần làm tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô mà còn tăng thu nhập, việc làm của công nhân, lao động với mức trung bình đạt từ 7 đến 10 triệu đồng 1 người/tháng.

Theo xu hướng phát triển, khi thu nhập của gia đình tăng cao, nhu cầu về ô tô ngày càng lớn. Đồng thời, trong các ngành công nghiệp cũng như nông nghiệp, con người sử dụng ô tô như nguồn lực trực tiếp phục vụ quá trình lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thương mại phát triển. Đây sẽ là những yếu tố để ngành công nghiệp ô tô tiếp tục phát triển trong tương lai với nhiều dòng xe, mẫu xe, trong đó hướng đến dòng xe thân thiện với môi trường.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển, tỉnh Ninh Bình tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06- NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển và quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đề ra là phát triển khu, cụm công nghiệp với quy mô và vị trí hợp lý, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp và dịch vụ, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, môi trường của tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư, đặc biệt là khuyến khích các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.

Xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với đó, tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng sự liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước có quy mô lớn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, đảm bảo việc tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt; đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp phù hợp với nhu cầu phát triển của kinh tế địa phương, đặc biệt là Khu công nghiệp Gián Khẩu mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô của Công ty cổ phần ô tô Hyundai Thành Công. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI vào ngành công nghiệp phụ trợ ô tô.

CHIA SẺ TIN