Những cơ hội rộng mở cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam

Với quy mô và dung lượng thị trường có thể đạt 300 tỷ USD đến năm 2030, ngành cơ khí Việt Nam được đánh giá có rất nhiều cơ hội để phát triển, vươn lên.

Ít ai biết rằng các doanh nghiệp hỗ trợ ngành dầu khí Việt Nam lại là đối tác hàng đầu của các doanh nghiệp khai thác dầu khí Brunei. Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu liên tiếp các gói sản xuất giàn khoan – một trong những hạng mục cơ khí phức tạp, đòi hỏi trình độ cao. Các giàn khoan được sản xuất ở Bà Rịa – Vũng Tàu và được chuyển tới lắp ráp ngoài khơi. Doanh thu từ lĩnh vực này đóng góp hàng trăm triệu USD vào kim ngạch thương mại Việt Nam và Brunei mỗi năm.

Theo các chuyên gia, tiềm năng của công nghiệp cơ khí trong nước còn rất lớn. Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có thể tham gia vào mọi lĩnh vực trong đời sống. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam phải vươn lên, nắm giữ thị trường 100 triệu dân, tiến tới xuất khẩu các sản phẩm cơ khí ra nước ngoài. Ngoài ra, cũng rất cần các chính sách mang tính “bà đỡ” của Nhà nước.

Cơ hội từ chính thị trường nội địa rộng lớn

Trong một dự báo được Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) công bố, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Nhưng hiện nay ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.

Cũng theo cơ quan này, với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, ngành cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Những cơ hội rộng mở cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam
Phát triển ngành cơ khí “vừa tạo ra giá trị cho nền kinh tế với hàm lượng công nghệ cao, vừa tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động”. Ảnh: Việt Linh.

Như vậy, việc phát triển ngành cơ khí giống như một mũi tên bắn trúng 2 đích “vừa tạo ra giá trị cho nền kinh tế với hàm lượng công nghệ cao, vừa tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động”.

Cũng bởi lý do này, trong một phiên thảo luận tại Quốc hội vào cuối năm 2022, đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, đề xuất Chính phủ có cơ chế đặt hàng các dự án lớn cho doanh nghiệp trong nước. Ông lấy ví dụ có thể đặt hàng xây dựng các tuyến đường sắt, điều này vừa giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp nội địa, vừa khuyến khích phát triển, làm chủ công nghệ một số ngành mũi nhọn, trong đó có ngành cơ khí.

Điều này đã được chứng minh trong quá khứ khi điểm sáng lớn nhất của ngành cơ khí có lẽ là chế tạo thiết bị điện. Việt Nam đã dần làm chủ được những thiết bị điện có hàm lượng công nghệ cao nhờ cơ chế đặt hàng của Chính phủ. Với việc sản xuất thành công máy biến áp 220 kV-250 MVA; máy biến áp 500 kV, đặc biệt là máy biến áp nguồn 3 pha 500 kV-467 MVA (dòng máy siêu cao áp công suất lớn rất ít nước trên thế giới có công nghệ chế tạo), đưa vào vận hành an toàn đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của ngành cơ khí điện Việt Nam.

Trong tương lai, Việt Nam cũng có kế hoạch bỏ ra hàng trăm tỷ USD cho cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tham gia sâu vào các gói thầu, làm chủ công nghệ.

Có thể kể đến quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2030 ước tính phải đầu tư khoảng 133 tỷ USD. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia chế tạo máy móc, thiết bị, cần cẩu, trục nâng, cột trụ đường dây truyền tải điện, máy biến áp… Các doanh nghiệp cơ khí cũng có thể tận dụng cơ hội từ các dự án đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao trị giá khoảng 50-60 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, sản xuất ôtô, xe máy… Thêm vào đó, khi kinh tế phát triển, nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, các công trình sân vận động, nhà thi đấu… cũng theo đó tăng lên.

Những cơ hội rộng mở cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam
Các doanh nghiệp cơ khí cũng có thể tận dụng cơ hội từ các dự án, công trình giao thông. Ảnh: Việt Linh.

Các sản phẩm cơ khí là các loại chi tiết, linh kiện, cụm linh kiện kim loại cho các ngành hạ nguồn cũng có nhu cầu tăng mạnh trong thời gian gần đây. Hiện tại, cả nước có trên 500 doanh nghiệp sản xuất các loại linh kiện kim loại cung ứng cho các ngành hạ nguồn, tức những ngành công nghiệp chế biến, lắp ráp, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp cơ khí của cả nước, đây cũng là một phần cơ hội cho ngành cơ khí Việt Nam.

Đặt hàng, khuyến khích doanh nghiệp cơ khí nội địa

Vào đầu tháng 11/2022, nhiều bạn trẻ tại TP.HCM cảm thấy hứng thú và đến chụp ảnh check in với một chú robot khổng lồ bên ngoài siêu thị Emart Sala (TP Thủ Đức, TP.HCM). Ít ai biết rằng chú robot này lại được sản xuất tại Nhà máy cơ khí thuộc tổ hợp sản xuất và gia công cơ khí của Thaco Industries tại Chu Lai (Quảng Nam).

Không chỉ có hình dáng siêu đáng yêu, robot còn có thể cử động được tay chân, biết giơ tay chào khi có người đến và biểu lộ cảm xúc vui, buồn… ở đôi mắt thông qua màn hình led. Đây là điểm nhấn mỗi khi khách hàng ghé thăm siêu thị Emart Sala.

Những cơ hội rộng mở cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam
Chú robot khổng lồ này được thiết kế bởi các kỹ sư cơ khí Thaco Industries tại Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh: Phương Lâm.

Chú robot khổng lồ này được thiết kế bởi các kỹ sư cơ khí Thaco Industries, sau đó là thi công, lắp ráp, rồi vận chuyển bằng đường biển vào TP.HCM.

Không chỉ sản xuất được những sản phẩm đặc biệt như chú robot khổng lồ, Thaco Industries còn sản xuất rất nhiều sản phẩm cơ khí phục vụ cuộc sống như máy móc nông nghiệp, đường ống cấp thoát nước, bồn chứa nước, linh kiện và phụ tùng ôtô… Những sản phẩm đó đã giúp Thaco Industries đạt doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm và tăng trưởng liên tục trong các năm gần đây.

Điều này chứng tỏ tiềm năng của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam còn rất lớn, có thể phục vụ mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Thống kê cho thấy linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ôtô (tùy chủng loại xe), 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp và 40% cho máy xây dựng… Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.

Như vậy, dư địa để các doanh nghiệp cơ khí tăng tỷ lệ nội địa hóa lên vẫn còn rất lớn. Theo TS Trương Thị Chí Bình, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, ngành cơ khí rất tiềm năng nhưng gần như có rất ít ưu đãi. Nếu nói về công nghiệp hỗ trợ thì có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng ưu đãi chỉ khi doanh nghiệp có thu nhập, song thường các doanh nghiệp sản suất chế tạo gần như không có lãi trong vòng 3-5 năm đầu. Do đó quan trọng là phải hỗ trợ đầu vào để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

“Đang rất thiếu các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất cơ khí vì lợi nhuận thấp, không ai đầu tư sản xuất cơ khí”, bà Bình nói và cho biết rất cần các chính sách ưu đãi thuế, vay vốn, khuyến khích nghiên cứu phát triển, thu hút chuyên gia…

Theo một số chuyên gia, Việt Nam nên có những quy định tỷ lệ khối lượng và giá trị dự án để dành cho doanh nghiệp cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế. Điều này giúp khuyến khích doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao công nghệ để tự làm, doanh nghiệp cơ khí trong nước cũng cần chuyển mình mạnh mẽ để đón nhận những cơ hội từ thị trường.

CHIA SẺ TIN