Ngành CN Cao tại Việt Nam – Cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi

Bộ KH&CN cho biết, ngay sau khi Luật Công nghệ cao năm 2008 được Quốc hội thông qua, Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng như ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Cho đến thời điểm này, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để thúc đẩy phát triển công nghệ cao đã tương đối đầy đủ, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghệ cao triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, có thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận cũng như làm chủ công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh.

Một trong những cái “khó” lớn nhất là về nguồn vốn vì đầu tư, ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vồn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực, trong khi đó 98% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. Đây là những điểm nghẽn cần quan tâm tháo gỡ. Hơn nữa lĩnh vực này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi chúng ta vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro…

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Lê Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, (Bộ KH&CN) cho biết, hiện nay, Bộ KH&CN đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về Khu Công nghệ cao và đang xin ý kiến thành viên Chính phủ, từ đó sẽ tháo gỡ một số vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, thúc đẩy việc phát triển Khu Công nghệ cao cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Bên cạnh đó, để giải quyết vướng mắc đối với Quỹ KHCN của doanh nghiệp, cuối tháng 5/2022, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ KHCN của doanh nghiệp, trong đó quy định các điều kiện sử dụng quỹ thông thoáng và tự chủ hơn cho doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả Quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ, đặc biệt là hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học.

Tới đây, Bộ KH&CN tiếp tục tập trung rà soát để tham mưu, hoàn thiện các chính sách, tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm thúc đẩy doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào KHCN, trọng tâm là công nghệ cao.

“Với bối cảnh của Việt Nam, chúng ta sẽ tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên và theo từng giai đoạn”, ông Nguyễn Lê Hùng cho biết.

Theo đó, Bộ KH&CN thường xuyên rà soát để tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ cao trong từng thời kỳ như: Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; Tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao… Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, chỉnh sửa các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động công nghệ cao trong các pháp luật chuyên ngành, như về đất đai, xây dựng, đầu tư, thuế…

Bộ KH&CN cũng chủ động rà soát, chỉnh sửa, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm về: Tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, tiêu chí thu hút dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao…

Bên cạnh đó, triển khai các chương trình KHCN quốc gia có liên quan như: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030… trong đó đối tượng trọng tâm là nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, ứng dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức KHCN trong nước.

CHIA SẺ TIN