Hội thảo Kiến tạo thị trường cho doanh nghiệp ngành cơ khí và tự động hóa

Sáng 7/7, Cục Công nghiệp (VIA) phối hợp cùng Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) đã tổ chức hội thảo “Kiến tạo thị trường cho doanh nghiệp ngành cơ khí và tự động hoá”.

Theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục Trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, trở thành một trong những ngành then chốt của nền kinh tế, đóng góp hàng tỷ USD, tạo ra hàng triệu việc làm.  “Thực tế hiện nay, doanh nghiệp cơ khí đang còn đối mặt với những hạn chế như việc cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt, thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh”,ông Phạm Tuấn Anh cho biết.

Trên cơ sở đó, đại diện Cục Công nghiệp hy vọng các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc thay đổi tư duy, đổi mới công nghệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.

Bên cạnh đó, ông Phạm Tuấn Anh cũng bày tỏ sự đồng lòng và quyết tâm của Chính phủ với các tổ chức, các hiệp hội và các doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, từng bước gia tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, giúp ngành công nghiệp cơ khí nói riêng và công nghiệp Việt Nam nói chung sẽ phát triển vượt bậc.

Ông Phan Lê Hoàng Linh – Trưởng phòng Công nghiệp chế tạo, Cục Công nghiệp cho rằng Việt Nam có vị trí địa lý và môi trường chính trị, đầu tư ổn định, thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp, đồng thời thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu cũng ngày càng được mở rộng thông qua quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Ông Phan Lê Hoàng Linh cũng chia sẻ Cục Công nghiệp đang nghiên cứu, xây dựng Luật về phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm. Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển cho một số ngành công nghiệp trong thời kỳ mới (trong đó có ngành ô tô); cũng như phối hợp với các Bộ, ngành sửa đổi đồng bộ hệ thống pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ các ngành, nghề đầu tư cụ thể.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội VAMI cũng nhận định ngành cơ khí đang đối mặt với việc giảm sút về đơn hàng cả đơn hàng từ trong nước lẫn đơn hàng từ nước ngoài do ảnh hưởng từ đại dịch và gần đây nhất là từ chiến tranh Nga – Ucraine. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Chính phủ, của các Bộ, ngành trong việc ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy kiến tạo thị trường, định hướng phát triển cho doanh nghiệp.

Về vấn đề phát công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô, ông Ninh Hữu Chấn – Tổng Thư ký Hiệp hội VAMA cho rằng bên cạnh những lợi thế như nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí thấp, giảm chi phí vận chuyển, ngành sản xuất còn đối mặt với một số khó khăn về quy mô thị trường, sự thiếu hụt ngành công nghiệp vật liệu, thiếu kinh nghiệm quản trị,.. Đồng thời, Hiệp hội VAMA cũng đưa ra những nhận định về ngành CNHT trong quá trình chuyển đổi sang xe điện – một trong những chủ đề đang được quan tâm hiện nay.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp trong ngành cơ khí và tự động hoá cũng có cơ hội bày tỏ quan điểm, chia sẻ những khó khăn trong quá trình kinh doanh sản xuất. Điển hình là Công ty Doosan Vina – doanh nghiệp FDI tại Quảng Ngãi kiến nghị một số chính sách thiết thực hỗ trợ ngành cơ khí như tăng cường chính sách nội địa hóa để xây dựng an ninh năng lượng và hệ sinh thái công nghiệp cơ khí Việt Nam, tăng cường các ưu đãi về thuế để bảo vệ các công ty nội địa,…

Với mục đích thúc đẩy phát triển công nghiệp cơ khí Việt Nam, cơ hội tạo thêm đơn hàng mới cho doanh nghiệp nội địa, hội thảo “Kiến tạo thị trường cho doanh nghiệp ngành cơ khí và tự động hoá” không chỉ là nơi chia sẻ chia sẻ thông tin, giải đáp thắc mắc và còn có không gian trưng bày sản phẩm, linh phụ kiện đến từ các doanh nghiệp CNHT. Sự kiện này hy vọng sẽ trở thành điểm sáng, thu hút nhiều sự quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan ban ngành.

H.Ly (Vietnam Business Forum)

CHIA SẺ TIN