CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ : Cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng linh kiện trong nước

Một chiếc ô tô thông thường có khoảng 30.000 chi tiết cấu thành, gói gọn chủ yếu trong 3 bộ phận chính là ngoại thất, nội thất và động cơ. Sẽ không có một hãng xe nào, một quốc gia nào tự sản xuất hoàn toàn 100% từ linh kiện trong nước. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp Việt cần chú trọng là tham gia sâu hơn vào các chi tiết, linh kiện chính của ô tô.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tiến tới xây dựng một mạng lưới sản xuất, cung ứng sản phẩm trên phạm vi toàn quốc và xuất khẩu.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: “Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp thực hiện quản lý, phát triển cụm công nghiệp theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh vai trò của các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tiềm năng của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đã được bạn bè quốc tế nhìn nhận. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế, chính trị trong nước luôn ổn định, giữ vững; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ngày càng sát sườn hơn với doanh nghiệp. Đó là những lý do một số hãng xe lớn trên thế giới gần đây có xu hướng chuyển dịch từ nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp ôtô tại Việt Nam.”.

Cũng theo đại diện Cục Công nghiệp, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu chuỗi như THACO, Vinfast có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển. Bởi lẽ, đây là cơ hội để các đơn vị cung ứng linh kiện thứ cấp có điều kiện giao lưu, nghiên cứu, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm.

Bà Chu Thị Nga, Công ty TNHH Cao su Giải Phóng cho biết: “Khi chúng tôi hợp tác với Toyota để cung ứng các sản phẩm từ nhựa, silicon, ngoài việc đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam thì sản phẩm đó còn phải đáp ứng tiêu chuẩn 5S của Toyota. Trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ các tập đoàn lớn như vậy để tạo ra sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng cao nhất”.

Đại diện Toyota Việt Nam:
Đại diện Toyota Việt Nam: “TMV đang nỗ lực tăng cường nội địa hóa bằng việc “cùng làm việc với nhà cung cấp” để từng bước phát triển năng lực của nhà cung cấp tại Việt Nam”.

Tại Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số – Hướng tới mô hình sản xuất thông minh (VIMEXPO 2022) mới đây, đại diện Công ty Toyota Việt Nam (TMV) nhận định, ngành sản xuất linh kiện tại Việt Nam có lợi thế là chất lượng tốt, chi phí nhân công thấp, tiết kiệm chi phí với với linh kiện nhập khẩu. Mặc dù vậy, vẫn còn những điểm bất lợi cần được khắc phục như: quy mô sản xuất nhỏ, công nghiệp nguyên vật liệu (thép, nhựa) chưa thực sự nổi trội, trình độ kỹ thuật nhân công còn thấp và thiếu kinh nghiệm quản trị.

“Nỗ lực của TMV trong những năm qua đó là tăng cường nội địa hóa bằng việc “cùng làm việc với nhà cung cấp” để từng bước phát triển năng lực của họ tại Việt Nam. Điều này thể hiện bằng việc chúng tôi tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, sau đó hỗ trợ đào tạo theo Phương thức Toyota và hỗ trợ trong khâu quản lý sản xuất”, ông Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch Kinh doanh, Công ty Toyota Ô tô Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp “yên tâm” hơn khi đầu tư sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh rất cần đến những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực hơn nữa từ Chính phủ như: hỗ trợ chi phí đầu tư, giảm thuế, hoàn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết lập mạng lưới kết nối nhà sản xuất ô tô với nhà cung cấp nhằm tối ưu hóa sản xuất…

Bên cạnh đó, cần sớm có quy định mới tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô sau khi Thông tư 11/2022/TT-BKHCN chính thức có hiệu lực thi hành để các nhà sản xuất có cơ hội hưởng ưu đãi thuế 0% theo ATIGA.

CHIA SẺ TIN