BTC VIMEXPO 2021 QUYẾT TÂM THỰC HIỆN MỤC TIÊU KÉP: “VỪA CHỐNG DỊCH HIỆU QUẢ, VỪA ĐẢM BẢO PHÁT TRIỂN KINH TẾ”

Để thích nghi với những khó khăn, bất lợi do dịch COVID-19 gây ra, Ban tổ chức (BTC) VIMEXPO 2021 đã chủ động kết hợp đa dạng hình thức xúc tiến thương mại mới dựa trên nền tảng công nghệ và mang lại những kết quả bước đầu rất khả quan, giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia triển lãm nâng cao hiệu quả hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm khách hàng mới; đồng thời vẫn bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng dịch.

Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng đến toàn bộ đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh ở hầu hết các quốc gia; trong đó có Việt Nam. Một trong những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất chính là xúc tiến thương mại khi rất nhiều sự kiện tập trung đông người phải hoãn hủy, việc di chuyển giữa các quốc gia khác nhau, thậm chí giữa các địa phương trong cả nước cũng bị hạn chế để ngăn ngừa, kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.

Trong đó, hoạt động xúc tiến thương mại nổi bật và trực tiếp nhất chính là việc tổ chức các hội chợ, triển lãm quốc tế cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tham dự và kết nối giao thương đa phần không thể thực hiện được do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ước tính trong năm 2020, đã có gần 50 chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia phải hủy hoặc lùi thời gian tổ chức đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Tuy vậy, trong “bức tranh toàn cảnh tối màu” của ngành công nghiệp triển lãm, Triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2020 do Bộ Công Thương chỉ đạo, Cục Công nghiệp chủ trì, Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Vietnam tổ chức từ ngày 9 – 11/12/2020 là một điểm sáng nổi bật. Đây là triển lãm chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo lần đầu tiên được tổ chức nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ, đưa ra các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Chính vì tầm quan trọng này, mặc dù đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến các hoạt động sản xuất, thị trường tiêu thụ cũng như chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp sản xuất, VIMEXPO 2020 vẫn nhận được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, hiệp hội chuyên ngành, tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong nước và quốc tế. VIMEXPO 2020 có sự góp mặt của hơn 170 nhà trưng bày với gần 250 gian hàng trên diện tích 5.000 m2.

Tiếp nối thành công của kỳ triển lãm đầu tiên, Triển lãm quốc tế lần thứ 2 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2021 sẽ quay trở lại từ ngày 27 đến 29/10/2021 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hanoi. Để thích nghi với những khó khăn, bất lợi do dịch COVID-19 gây ra, BTC VIMEXPO 2021 đã chủ động đưa thêm ứng dụng công nghệ, đa dạng hình thức xúc tiến, kết nối mới. Bên cạnh các gian hàng thực tế kiểu truyền thống, lần đầu tiên xuất hiện các gian hàng kết nối từ xa “remote booth” và gian hàng trực tuyến 2D nhằm đem lại nhiều giải pháp tham dự triển lãm cho các đối tác, doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị không thể sang Việt Nam do dịch bệnh, giúp xóa bỏ mọi khoảng cách về không gian, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối giao thương xuyên biên giới vô cùng linh hoạt. Có thể nói, dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự hình thành, phát triển một hình thức xúc tiến thương mại mới dựa trên nền tảng công nghệ và mang lại những kết quả bước đầu rất khả quan trong hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm khách hàng mới. Đây không chỉ là một giải pháp tình thế mà còn là hướng đi lâu dài song hành cùng các hội chợ triển lãm và kênh tiếp thị truyền thống để nâng cao hiệu quả tiếp cận khách hàng từ trực tiếp đến trực tuyến.

Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng BTC VIMEXPO 2021 đã không chờ rơi vào tình trạng báo động mới phòng dịch. Sự chủ động từ sớm, từ xa trong công tác tổ chức đã giúp BTC VIMEXPO 2021 thực hiện được mục tiêu kép: “vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tận dụng tối đa các cơ hội phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

CHIA SẺ TIN