(ĐCSVN) – Việt Nam chúng ta cần xây dựng một ngành cơ khí ngang tầm các nước trong khu vực. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư, các DN trong nước và nước ngoài hoạt động trong ngành cơ khí đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, chủ động hơn nữa…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam tổ chức sáng 24/9 tại Hà Nội.
Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và 350 đại biểu gồm lãnh đạo và đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, các đơn vị phối hợp, các DN, doanh nhân trên cả nước, các học giả đến từ các trường đại học uy tín trong và ngoài nước.
Ngành công nghiệp then chốt, nền tảng phát triển công nghiệp
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định ngành cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá như Việt Nam.
Công nghiệp cơ khí chế tạo là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động quốc gia.
Tại Việt Nam, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Đảng, Chính phủ đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu đãi để phát triển ngành cơ khí.
Tuy nhiên, ngành còn thiếu nhiều sản phẩm có thương hiệu, quy mô doanh nghiệp cơ khí nhìn chung còn nhỏ, chất lượng sản phẩm còn thấp và giá thành còn cao, thiếu doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm quốc tế.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, ngành cơ khí trong nước đã có bước phát triển rất quan trọng. Tính đến hết năm 2017, số lượng DN cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng 25.014 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho gần 16% tổng số lao động trong các DN ngành chế biến, chế tạo.
Quy mô, năng lực các DN cơ khí được nâng cao ở hầu hết các ngành cơ khí, từ chế tạo thiết bị toàn bộ, sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất xe máy, chế tạo thiết bị thủy công, cho đến chế tạo thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, thiết bị cho ngành xi măng và vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, thiết bị điện, cơ khí nông nghiệp.
Hiện nay, trong nước có khoảng gần 40 DN sản xuất, lắp ráp ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng hơn 680.000 xe/năm. Tỷ lệ nội địa hoá các loại xe gắn máy đạt khoảng 85-95%.
Đã hình thành hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã hình thành mô hình cụm ngành về cơ khí chế tạo (như Khu phức hợp cơ khí Chu Lai-Quảng Nam…). Ngành cơ khí cũng đã hình thành một số DN có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực như Tổng công ty TNHH MTV Cơ khí Quang Trung, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lilama, Tổng công ty Máy động lực và nông nghiệp Việt Nam…
Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế: các DN cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh trạnh thấp. Hiện tại, mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.
Chất lượng sản phẩm cơ khí của DN nội nói chung còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh. Còn thiếu nhiều DN cơ khí lớn, mang tầm cỡ quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt ngành cơ khí. Trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước…
Sẽ có nghị quyết tốt cho cơ khí Việt Nam
Tại Hội nghị, các ý kiến tập trung đánh giá những kết quả đạt được, nhận diện những tồn tại, hạn chế của ngành cơ khí Việt Nam và các nguyên nhân của các hạn chế đó; phân tích rõ tiềm năng, lợi thế, thách thức của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
KS Đào Thanh Long – Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam chỉ ra, trình độ quản trị sản xuất kinh doanh của các DN cơ khí Việt Nam đa phần còn thấp, ở rất xa cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các DN lựa chọn sản phẩm chưa căn cứ theo thị trường lâu dài mà phần lớn chỉ sản xuất theo các hợp đồng nhỏ lẻ; lựa chọn phương án đầu tư sản xuất khép kín. Trong khi đó, việc đầu tư đổi mới công nghệ trùng lặp, phân tán, gây lãng phí lớn và hiệu quả sản xuất kinh doanh kém.
Để Việt Nam có nhiều DN cơ khí chế tạo được các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế mở, KS Đào Thanh Long cho rằng, nhà nước cần có chương trình, quy hoạch, lựa chọn một số sản phẩm, phân ngành cơ khí mà Việt Nam có thế mạnh về thị trường và năng lực sản xuất để tiếp tục xây dựng phát triển.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thủ tướng khẳng định, hội nghị sẽ có một sản phẩm là nghị quyết của Chính phủ về giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Đây cũng là mong mỏi của các DN, những người làm trong ngành công nghiệp nền tảng, trụ cột, xương sống của nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến để có một nghị quyết tốt, mang hơi thở cuộc sống.
“Tôi tin hội nghị lần này, trên nền tảng 21.000 DN cơ khí và định hướng chiến lược mà Chính phủ đưa ra, chúng ta sẽ xây dựng ngành cơ khí Việt Nam phát triển”, Thủ tướng nói và trả lời dứt khoát vấn đề mà ông Nguyễn Thế Hà, đại diện Công ty TNHH cơ khí Bùi Văn Ngọ nêu ra là “Thủ tướng có ‘quyết chiến’ không, Chính phủ có ‘quyết chiến’ không, để đưa ngành cơ khí Việt Nam tiến bước”.
Cho rằng có một số mặt còn bất cập, tồn tại, “đuối sức”, Thủ tướng nêu rõ, phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp, nhưng tạo mọi điều kiện về chính sách, kể cả chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam.
“Trước hết chúng ta phải có khát vọng, tâm huyết với phát triển kinh tế Việt Nam, cơ khí Việt Nam để gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Thủ tướng nói. Phải xác định thị trường rõ nét hơn, xác định phân khúc thị trường trong nước, ngoài nước, từ đó có các chính sách vĩ mô kèm theo, đặc biệt là chính sách thuế và lãi suất cho ngành cơ khí rõ hơn.
Chính sách phải “đi tắt đón đầu” để cơ khí phát huy lợi thế người đi sau trong bối cảnh hội nhập.
Ghi nhận các ý kiến nêu về các bất cập thiếu vốn, thiếu thị trường, lãi suất cao chưa tạo điều kiện cho cơ khí phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt chính sách nội địa hóa.
Tạo dựng thị trường cho các DN cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho DN, thúc đẩy đội ngũ DN cơ khí. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ các DN trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước. Nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước để có thể tạo thị trường cho DN trong nước phát triển phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.
Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các DN cơ khí có tên tuổi trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các DN cơ khí trong nước.
Triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa DN trong nước với nhau và với các DN lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp cận công nghệ và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.
Cần xây dựng và phát triển hệ thống quản lý, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ thuật nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề trong lĩnh vực cơ khí.
Thủ tướng lưu ý, hiện nay chúng ta đang thiếu nhân lực ngành cơ khí rất trầm trọng. Xây dựng đội ngũ doanh nhân cơ khí lớn mạnh có ý nghĩa quyết định. Đội ngũ DN đó sẽ có bản lĩnh, khát vọng của người Việt Nam trên thương trường.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu nhằm khuyến khích phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước. Đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vượt trội nhằm thu hút các dự án FDI trong ngành cơ khí bảo đảm định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị. Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách thuế, phí hợp lý nhằm giúp các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu nguyên chiếc, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm.Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành cơ khí phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước.
“Việt Nam chúng ta cần xây dựng một ngành cơ khí ngang tầm các nước trong khu vực. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn cộng đồng DN, các nhà đầu tư, các DN trong nước và nước ngoài hoạt động trong ngành cơ khí đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, chủ động hơn nữa trong đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, quản trị hiện đại để tăng sức cạnh tranh của DN cơ khí nói riêng và DN ngành chế biến, chế tạo nói chung”, Thủ tướng nêu rõ./.