VIMEXPO 2021 GÓP PHẦN NÂNG CẤP NHIỀU KHÍA CẠNH TRONG CHUỖI SẢN XUẤT DỆT MAY – DA GIÀY VIỆT NAM

Trong bối cảnh xuất kim ngạnh xuất khẩu dệt may – da giày tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021, việc tham dự triển lãm VIMEXPO 2021 sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may – da giày tìm hiểu về công nghệ, giải pháp và xu hướng giúp nâng cấp nhiều khía cạnh khác nhau trong toàn bộ chuỗi sản xuất dệt may, da giày tại Việt Nam.

Dệt may – một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan trong nửa đầu năm, với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành gần 19 tỷ USD, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này có được nhờ sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, EU… cộng với yếu tố dịch chuyển cung, do nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia bị dịch bệnh hoành hành trên quy mô lớn, doanh nghiệp không thể hoạt động.

Trong tháng 6/2021, xuất khẩu sản phẩm da giày Việt Nam cũng đạt gần 2,33 tỷ USD, tăng 19,5% so với tháng 6 năm 2020, trong đó gồm 2 tỷ USD giày dép và 325 triệu USD túi xách các loại. Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu da giày Việt Nam đạt trên 12 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ sự phục hồi của thị trường, nhất là tại Mỹ, EU, dự kiến cả năm nay, ngành da giày Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, tăng hơn 15% so với năm 2020.

Bộ Công Thương cho hay, nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp dệt may – da giày đã chủ động nắm bắt và khai thác những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mang lại nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu.

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 là động lực lớn nhất cho tăng trưởng toàn ngành thời gian qua. Với EVFTA, dệt may – da giày là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực nhất.

Theo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), các thị trường xuất khẩu truyền thống của da giày Việt Nam đã tiến hành tiêm vaccine, bước đầu đạt miễn dịch cộng đồng. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng bắt đầu phục hồi khiến đơn hàng xuất khẩu khá khả quan. Tính đến hết quý II/2021, đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành như Mỹ, EU… đã tăng khoảng 10%.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp dệt may – da giày lớn đã có đơn hàng xuất khẩu cho cả 2 quý cuối năm. Ngoài ra, các chuỗi cung ứng mới đang được xác lập lại, là cơ hội để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, việc tham dự Triển lãm quốc tế lần thứ 2 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2021 sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may – da giày tìm hiểu về công nghệ, giải pháp và xu hướng giúp nâng cấp nhiều khía cạnh khác nhau trong toàn bộ chuỗi sản xuất dệt may, da giày tại Việt Nam. Triển lãm do Bộ Công Thương chỉ đạo, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp – Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương chủ trì, Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Vietnam tổ chức từ ngày 27 đến 29/10/2021 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hanoi.

Tại VIMEXPO 2021, nhiều máy móc tiên tiến, hiện đại nhất được như máy sản xuất giày, máy sản xuất sản phẩm da, cùng các phụ kiện da thời trang, da và da thuộc, nguyên phụ liệu – phụ kiện may mặc, vải… được giới thiệu nhằm giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận với những công nghệ, thiết bị mới, nguồn nguyên liệu mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh để có thể đẩy mạnh xuất khẩu.

Báo cáo về triển vọng ngành dệt may – da giày của Công ty CP Chứng khoán VNDirect mới đây cho biết, ngành dệt may – da giày Việt Nam phục hồi theo nhu cầu tăng mạnh tại thị trường Mỹ và EU. Người tiêu dùng Mỹ và EU đã cho thấy nhu cầu mua sắm mạnh mẽ sau khi kết thúc lệnh phong tỏa. Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tăng trưởng GDP của Mỹ trong Q1/21 đạt mức 6,4% – mức tăng tốt nhất kể từ năm 1984. Trong khi tiêu dùng cá nhân tăng 10,7% – cao thứ hai kể từ năm 1960. Do đó, nhu cầu về mua sắm hàng hóa cá nhân trong thười gian tới  tăng lên đáng kể. Văn phòng Dệt may Mỹ (OTEXA) thống kê giá trị nhập khẩu dệt may của Hoa Kỳ đạt 24 tỷ USD (+ 4,32% svck). Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (E.C.) dự báo tăng trưởng GDP trong khu vực Eurozone lần lượt đạt 4,3% và 4,4% cho năm 2021 và 2022.

CHIA SẺ TIN