VIMEXPO 2020 với quy mô ấn tượng của lần triển lãm chuyên ngành lần đầu tiên, tổ chức trên diện tích 5.000 m2. Với mục tiêu “Kết nối để phát triển”, đây là sự kiện nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ với mục tiêu đưa ra các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, công nghiệp hóa và phát triển các ngành công nghiệp cơ bản, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như lĩnh vực công nghiệp phụ trợ luôn luôn là một trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Do đó, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết 23 về chính sách công nghiệp quốc gia, phát triển công nghiệp trong những giai đoạn mới tiếp tục là nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong tình hình mới.
Là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức, song theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, VIMEXPO 2020 đã thu hút 170 doanh nghiệp từ các lĩnh vực khác nhau và từ nhiều quốc gia đã tạo được tiếng vang; là cơ hội để quảng bá, giới thiệu phát triển ngành công nghiệp Việt Nam cũng như cơ hội để tiếp tục có sự phối hợp và hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia, các đối tác và các nền kinh tế trên thế giới.
Cũng theo Bộ trưởng, VIMEXPO còn là cơ hội vô cùng to lớn và có ý nghĩa để các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cũng như các cơ quan tổ chức để Việt Nam tiếp tục thực thi việc xây dựng hoàn thiện chính sách về phát triển công nghiệp cũng như phát triển bền vững nền kinh tế, xây dựng những mối quan hệ tương tác giữa khu vực công với khu vực doanh nghiệp.
“Sự kiện cũng là cơ hội tốt để các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp phụ trợ của trong nước nhằm kết nối với các doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư trên khắp các châu lục để tiếp tục tạo nên những chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị ngày càng cao hơn trong lĩnh vực công nghiệp cũng như trong hoạt động thương mại quốc tế nói chung,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Là một trong những ngành hàng có nhiều doanh nghiệp tham gia VIMEXPO 2020 nhiều nhất, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay: Khu gian hàng công nghiệp hỗ trợ ngành da giày Việt Nam sẽ có hơn 40 doanh nghiệp tham gia.
Với đặc thù sản xuất ngành da giày khi các sản phẩm phải sử dụng hàng trăm loại nguyên liệu, phụ liệu, tuy nhiên hiện ngành chỉ đáp ứng được trung bình 50% nguyên phụ liệu, 50% phải nhập khẩu, trong đó các vật liệu chính như da thuộc, vải dệt và giả da chỉ đạt 20-30% nhu cầu làm hàng xuất khẩu.
Do đó, hội chợ công nghiệp hỗ trợ lần này có ý nghĩa quan trọng giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành da giày có điều kiện nắm bắt nhu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại, đồng thời giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp, kết nối giao thương tìm kiếm nhà đầu tư và khách hàng tiêu thụ.
“Qua hội chợ, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp xác định được nhu cầu thị trường, chủng loại, quy cách kỹ thuật, yêu cầu về chất lượng, nhất là có sự kết nối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm để phát triển sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hoá và tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm của ngành”, đại diện Lefaso thông tin.
Trong các ngày diễn ra triển lãm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) sẽ chủ trì và phối hợp với các cơ quan và tổ chức chuyên ngành liên quan tổ chức 2 hội thảo quan trọng với chủ đề “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Tiềm năng và Cơ hội” và “Cơ hội và thách thức khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Các hội thảo tổ chức nhằm tạo ra mối liên kết, đối thoại giữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với các nhà hoạch định chiến lược, chính sách nhằm đưa ra các luật định, giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại Việt Nam.
Ngoài ra, trong suốt thời gian triển lãm, Ban tổ chức sẽ có các hoạt động “Kết nối giao thương – Business Matchinh” giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp mua hàng. Đến nay, theo thống kê của Ban tổ chức, sẽ có khoảng 500 phiên kết nối giữa các đơn vị, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như: Sam Sung, Canon, Thaco, Honda, Toyota, ABB, Tùng Lâm,…
Triển lãm sẽ mở cửa từ ngày 9/12 đến ngày 11/12, dự kiến thu hút khoảng 15.000 lượt khách tham quan.