Theo Vietnam Briefing, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện có tiềm năng đầy hứa hẹn, đặc biệt là các ngành trọng điểm như điện tử và ô tô.
Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam hiện mới chỉ ở mức 36% và tỷ lệ sử dụng linh kiện nội địa thấp. Hiện cả nước chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp tham gia sản xuất công nghiệp phụ trợ, chiếm khoảng 0,2% trong tổng số khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Đây là những con số thấp khi so sánh với các nước Đông Nam Á khác. Do đó, các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng do lĩnh vực sản xuất đang phát triển và đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Vietnam Briefing đánh giá.
Trong bối cảnh hiện tại, các công ty đa quốc gia ngày càng có nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào một vài khu vực cụ thể và để giảm chi phí. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam, điều cần thiết là phải nhận ra vai trò then chốt của ngành công nghiệp phụ trợ trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế của đất nước theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Những ngành này không chỉ thúc đẩy năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và tạo ra giá trị mà còn tăng cường sự đóng góp của khu vực chế biến, chế tạo vào nền kinh tế chung.