LỢI THẾ CỦA VIỆT NAM
Bà Phan Thị Thanh Ngọc, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số, Công ty công nghệ thông tin VNPT-IT, cho biết phát triển công nghiệp công nghệ số của Việt Nam hiện nay đang có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển. Cụ thể là mức độ phổ biến ngày càng tăng của công nghệ IoT, sự thâm nhập mạnh mẽ của thương mại điện tử, hay ưu tiên tập trung đầu tư thành phố thông minh của Chính phủ, việc tăng cường sử dụng các công nghệ 4.0 như AI, AR/VR, Blockchain trong các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó là việc chú trọng đầu tư vào các giải pháp an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, sự xuất hiện của mạng 5G…
Ngoài ra, Việt Nam đang có trên 62.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, đã hình thành được một số doanh nghiệp đầu tàu, tiên phong, có chiến lược phát triển 4.0, đồng thời cũng sở hữu hạ tầng viễn thông phủ rộng, dễ dàng chuyển đổi từ doanh nghiệp gia công sang doanh nghiệp công nghệ số; lực lượng gia công phần mềm xếp hạng cao trên thế giới, có khả năng phản ứng nhanh trước những thay đổi của thế giới. Theo bà Ngọc, đây là những điểm mạnh để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam.
Tâm điểm của ngành công nghiệp công nghệ số là lĩnh vực IoT (Internet vạn vật). Theo nhiều thống kê, thị trường IoT toàn cầu hiện có quy mô khoảng 1.660 tỷ USD. Còn Việt Nam, ước tính đến năm 2025, thị trường IoT có quy mô khoảng 3,4 tỷ USD. Năm lĩnh vực ứng dụng hiệu quả IoT hàng đầu gồm: sản xuất, sông nghiệp, năng lượng, tài chính, và y tế (theo Imaginovation Insider). 86% doanh nghiệp sản xuất nhận định sản xuất thông minh sẽ là yếu tố cạnh tranh chủ lực của doanh nghiệp sản xuất trong 5 năm tới.