Đến nay, có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này cho thấy sự kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI chưa chặt chẽ và cần phải đẩy mạnh hơn nữa.
Ông Kunihiko Hirabayashi, Tổng thư ký Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) cho biết, AJC luôn mong muốn là cầu nối để đưa ngành CNHT Nhật Bản đến với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam để các doanh nghiệp có thể phát triển và tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong tình hình thế giới đầy biến động như hiện nay, ngành CNHT của Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều thách thức. Do vậy, cần có sự hợp tác mật thiết giữa doanh nghiệp các quốc gia để tạo nên những sự phát triển về chất lượng nguồn nhân lực cũng như chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Cần thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực. |
Theo các chuyên gia, mặc dù, nhiều linh kiện sản phẩm, thành phẩm và bán thành phẩm của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm CNHT cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hạn chế.
Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM cho rằng, có đến 86% các doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi đã trả lời muốn mở rộng nội địa hóa các sản phẩm CNHT tại Việt Nam. Khoảng 88% trong số đó trả lời là sẽ lựa chọn mua từ các doanh nghiệp của nước sở tại, cao hơn rất nhiều so với con số 32% trả lời là sẽ mở rộng mua hàng từ các công ty Nhật Bản.
Khẳng định cơ hội của doanh nghiệp Việt, ông Matsumoto, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, từ năm 2021 Nhật Bản đã thực hiện chính sách viện trợ như việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại nước ngoài. Qua 5 đợt tuyển chọn dự án viện trợ, nếu tính số lượng theo từng quốc gia thì trong 103 dự án được chọn, Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất với 41 dự án. Điều này đã thể hiện được mức độ quan tâm đến Việt Nam là rất cao.
Gần đây, Việt Nam đã nổi lên với vai trò một trung tâm sản xuất mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu với sự góp mặt của một số tên tuổi sáng giá trong lĩnh vực chế tạo, công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Foxconn… Đây đều là những tập đoàn lớn, nổi tiếng trên thế giới, kéo theo sau họ là mạng lưới các công ty vệ tinh cung cấp linh kiện và các sản phẩm hỗ trợ.
Để ngành CNHT Việt tham gia sâu hơn, nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới cần thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản…
Ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc Công ty RX Tradex Việt Nam cho rằng, Việt Nam trong tương lai sẽ trở thành trung tâm sản xuất để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của ASEAN. Để giúp ngành công nghiệp sản xuất và CNHT của Việt Nam trở thành một ngành phát triển mạnh trong khu vực, ngoài việc gỡ các nút thắt về kỹ năng nhân công, cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần phải phát triển hơn hệ thống công nghiệp với chất lượng và năng suất cạnh tranh toàn cầu. Giữ đà tăng trưởng của dòng vốn FDI, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đồng thời thúc đẩy các ngành CNHT bao phủ toàn bộ chuỗi giá trị tương ứng.
Tuy nhiên, chuyên gia Hiệp hội Cố vấn thương mại Nhật Bản, ông Akutsu Michio cho rằng, năng suất lao động của lao động địa phương tại Việt Nam hiện còn thấp. Mặt khác, nhân tài có trình độ kỹ thuật cao của Việt Nam đã bị thu hút bởi doanh nghiệp FDI và ra nước ngoài làm việc dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực tốt.
Tiếp đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, việc tiếp cận nguồn vốn cũng gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu giá thành cạnh tranh và thiếu thông tin từ các nhà cung cấp nước ngoài.
“Doanh nghiệp Việt có thể sử dụng các công ty thương mại để cung cấp nguyên liệu với giá cạnh tranh, hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan, đề xuất phương thức sản xuất mới, cơ giới hoá và tự động hóa cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp”, ông Akutsu Michio khuyến nghị.
Cụ thể hơn trong việc tìm kiếm giải pháp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) cho rằng, VASI có kế hoạch hình thành nhóm doanh nghiệp và nhóm lĩnh vực để tập trung gia tăng số lượng và chất lượng sản xuất với tham vọng có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản và toàn cầu.
Để ngành CNHT Việt Nam tham gia sâu hơn, nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho rằng, trước mắt trong thời gian tới cần thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tham gia các hội nghị xúc tiến để tiếp cận, học hỏi những xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ; gặp gỡ trực tiếp những đối tác tiềm năng để tìm hiểu nhu cầu và phát triển ngày càng chuyên nghiệp hơn.