Thời gian qua, dù Việt Nam đã chủ động mở cửa để đón nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo Bộ Công Thương, dù Việt Nam đã chủ động mở cửa để đón nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế. Đáng nói, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát triển hết tiềm năng, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn…
Trong khi đó, chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển lĩnh vực này chưa được chú trọng nên DN chưa mở rộng ra thị trường toàn cầu. Nhiều chuyên gia kinh tế thẳng thắn nhìn nhận, so với các nước lân cận, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam có tính thực thi chưa phù hợp với sức phát triển của doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp thiệt thòi, thua kém so với doanh nghiệp cùng điều kiện, hoàn cảnh trong khu vực.
Tại tờ trình về việc tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ (Nghị định số 111), Bộ Công Thương cho hay, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển có thể được hưởng ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã cấp 206 giấy xác nhận ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài chính sách thuế, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111 đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.