Ngành Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài đã thiết lập nhiều nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam.
Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành Công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, thực trạng ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn hạn chế về chất lượng, công nghệ, nguyên nhiên vật liệu. Bài viết này phân tích thực trạng và giải pháp phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.
1. Đặt vấn đề
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được định nghĩa tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ, là “các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh”. Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025.
Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020 triển khai kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT. Giai đoạn 2021 – 2025, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của giai đoạn 2016 – 2020 trên cơ sở rà soát, đánh giá kết quả thực hiện. Mục tiêu của chương trình là đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng khoảng 45% nhu cầu sản xuất nội địa; đến năm 2025, đáp ứng được 65% nhu cầu sản xuất nội địa.
Từ năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Việt Nam sẽ tập trung phát triển CNHT thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu, gồm: Linh kiện phụ tùng, dệt may – da giày và công nghệ cao. Chương trình phát triển CNHT sẽ góp phần giảm giá thành một số mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, như: ô tô, dệt may, da giày, điện tử do các DN lắp ráp sử dụng linh kiện tại chỗ. Về phía DN, bên cạnh quy hoạch và các chính sách hỗ trợ, còn cần sự thông thoáng trong tiếp cận vốn đầu tư và mở rộng nghiên cứu sản xuất.
Để có thể thực hiện được yêu cầu trên, ngành CNHT cần nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Bên cạnh đó, cần có sự chuyển mình của ngành để khắc phục những vấn đề còn tồn tại.
2. Thực trạng ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay
Hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy,… hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm, nên phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất nhiều khi còn manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, khoảng 80% giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam dành cho nguyên liệu đầu vào, thiết bị và máy móc phục vụ sản xuất trong nước.
Đặc biệt, ngành Cơ khí chế tạo – xương sống cho một nền công nghiệp phát triển cũng chưa có sự chuyển biến tích cực nếu không muốn nói là đã quá tụt hậu so với sự phát triển chung của thế giới. Các công nghệ tạo phôi, nhiệt luyện, hay gia công kim loại của ngành Cơ khí đều đã lạc hậu, sản phẩm làm ra chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thị trường. Công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản, lạc hậu, trình độ tụt hậu khoảng 2-3 thế hệ so với khu vực. Thiết bị phần lớn là vạn năng, qua nhiều năm sử dụng đã lạc hậu về tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu chú ý bảo dưỡng định kỳ, thiếu vốn để đầu tư thay thế, đổi mới, nâng cấp. Khâu tạo phôi là một khâu rất quan trọng trong công nghiệp cơ khí, nhưng các cơ sở sản xuất vẫn sử dụng chủ yếu công nghệ đúc bằng khuôn cát, chất lượng vật đúc thấp, tỉ lệ chế phẩm cao.
Điều này cho thấy một thực trạng nổi bật là khoảng cách chênh lệch lớn về chất lượng sản phẩm giữa các nhà cung cấp linh kiện trong và ngoài nước. Người dân lựa chọn sản phẩm nhập khẩu với mẫu mã đẹp và chất lượng tốt hơn. Thực tế, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số ngành trọng điểm như ôtô là 20-30%, da giày, dệt may là trên 10%,… Điều này dẫn đến hệ quả là là giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp kém,…
Nguyên phụ liệu trong nước chỉ co cụm ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp trong nước chưa thể đáp ứng được chất lượng cho các đơn hàng xuất khẩu. Số doanh nghiệp Việt Nam làm CNHT rất ít. Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, bán sản phẩm hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc thì đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan, cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam với một tỉ trọng ít ỏi. Trong khi đó, do tốc độ lạm phát hiện nay, chi phí về nhân công của Việt Nam dần dần không rẻ và chúng ta đã đánh mất lợi thế nổi trội trên chính sân nhà.
3. Đề xuất một số giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới
– Phát triển và bảo vệ thị trường: Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả đầu tư và các chính sách thu hút đầu tư FDI vào nước ta trong giai đoạn qua. Từ đó có chính sách phù hợp hơn, tăng tính ràng buộc hơn đối với các doanh nghiệp FDI. Đồng thời phải đảm bảo khi doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có công nghệ thật sự cao, mang lại giá trị gia tăng lớn. Doanh nghiệp FDI cũng phải đáp ứng yêu cầu là có lộ trình để các doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, nhất là khâu nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động Việt Nam cả trước mắt và lâu dài.
– Đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ: Bố trí, đảm bảo và huy động nguồn lực hiệu quả để triển khai thực hiện chính sách đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương đầu tư nguồn lực để triển khai những chính sách, chương trình và hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương đó.
– Các tỉnh căn cứ lợi thế về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển có trách nhiệm:
+ Xây dựng và ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương;
+ Bố trí ngân sách hằng năm để triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương.
+ Hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực bộ máy của Sở Công Thương và các đơn vị liên quan đến triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, xem xét xây dựng Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương trên cơ sở nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại các đơn vị hiện có từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác trên cơ sở nhu cầu phát triển công nghiệp và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.
– Giải pháp về tài chính, tín dụng: Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng; Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
– Phát triển chuỗi giá trị trong nước: Tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ưu tiên phát triển trở thành các Tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
– Hoàn thiện thể chế theo quan điểm của Đảng, bảo đảm công nghiệp – thương mại phát triển mạnh mẽ, đúng hướng, khả thi. Trong đó, việc trước mắt là sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo để giải phóng sự phát triển công nghiệp của cả khu vực nhà nước và tư nhân. Đánh giá lại những hạn chế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vừa qua để có cơ chế, chính sách phù hợp. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời có cơ chế, chính sách đối với những doanh nghiệp lớn để các doanh nghiệp này đủ sức tham gia và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Công nghiệp hỗ trợ ở các cấp, các ngành. Khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong nước và nước ngoài có quy mô lớn về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng các cơ hội chuyển giao, đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.