Thực trạng nguồn nhân lực công nghệ cao ở Việt Nam

Nguồn nhân lực công nghệ cao được xem là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện hạt nhân, công nghệ gen… Tuy nhiên, với nhiều bất cập trong khâu đào tạo, định hướng nghề nghiệp nên nguồn nhân lực công nghệ cao ở nước ta đang yếu và thiếu rất nhiều. Việc tìm ra giải pháp hữu hiệu để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn đối với nguồn nhân lực công nghệ cao là một đòi hỏi hết sức cấp thiết.

Tình hình phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao hiện nay

Các khu công nghệ cao (CNC) những xuất hiện nhiều tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với những dự án lớn như: Intel, Nidec (Nhật Bản), Datalogic Scanning (Ý), Sonion (Đan Mạch)… Theo thống kê, tại TP. Hồ Chí Minh, lũy kế đến nay có 71 dự án được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt hơn 4,250 tỷ USD.

Trong đó, vốn trong nước là 886,9 triệu USD, vốn FDI là 3,363 tỷ USD. Còn tại Hà Nội, Khu CNC Hòa Lạc cũng dành được sự quan tâm đáng kể từ phía các nhà đầu tư. Tính đến cuối năm 2014, Khu CNC Hòa Lạc đã có trên 70 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng trên 56,5 nghìn tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam được xếp trong tốp 10 nước hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương và 30 của thế giới về gia công và phát triển phần mềm. Theo báo cáo của Gartner (công ty nghiên cứu và tư vấn hàng đầu về công nghệ thông tin) trong năm 2014, TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 7 và Hà Nội xếp thứ 22 trong tốp 100 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm. Từ năm 2012, Việt Nam đã trở thành đối tác gia công phần mềm lớn thứ 2 của Nhật Bản. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng công nghệ lớn trên thế giới.

Cơ hội để Việt Nam thu hút FDI trong lĩnh vực CNC là rất lớn. Điều này đã khiến cho nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực CNC cũng tăng cao. Chẳng hạn như, nhân lực làm việc trong ngành công nghệ thông tin trong giai đoạn 2006-2014 đã tăng gần gấp ba lần, từ 150.000 lên hơn 440.000 người, với tốc độ tăng trưởng 13%-18%/năm.

Mặc dù nhân lực khoa học công nghệ nói chung và CNC nói riêng đã có một số đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong công tác đào tạo cũng như sử dụng nguồn nhân lực này.

Đó cũng chính là một trong những lý do khiến nước ta thường đứng ở vị trí cuối hoặc nửa cuối  bảng xếp hạng về một số chỉ số công nghệ quan trọng như: Chính phủ điện tử; Khả năng sáng tạo công nghệ; Phổ biến công nghệ hiện đại; Kỹ năng con người; Xã hội thông tin và truy cập dữ liệu… bởi năng lực khoa học công nghệ quốc gia nói chung của nước ta còn thấp, quy mô nhỏ.

Có thể kể đến một số bất cập trong công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ cao như sau:

Thứ nhất, chất lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành CNC chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Hiện nay, cả nước có trên 300 trường đại học, cao đẳng đào tạo các chuyên ngành CNC về: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu và gần 200 trường đại học, cao đẳng đào tạo các ngành CNC trình độ cao đẳng. Nhưng số sinh viên học tập tại các trường đại học, cao đẳng khi ra trường có thể làm được việc trong các lĩnh vực được đào tạo không nhiều.

Cụ thể, trong số hơn 110.000 kỹ sư công nghệ thông tin mỗi năm các trường đại học, cao đẳng trên cả nước cung cấp cho thị trường, chỉ có 10% kỹ sư có thể phục vụ tốt cho ngành này. Điều này dẫn đến tình trạng, các DN phần mềm đầu tư vào các khu CNC gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng đội ngũ nhân sự tại địa phương, số lượng và chất lượng đều chưa thể đáp ứng được các đòi hỏi cao của các ngành này. Chẳng hạn, câu chuyện của Tập đoàn Samsung khi đầu tư vào Việt Nam cần 2.000 lao động có trình độ tay nghề làm việc tại nhà máy.

Tuy nhiên, thực tế số lượng lao động có tay nghề, đáp ứng được tiêu chuẩn của DN này là không nghiều. Hay dẫn chứng của hãng Global Cybersoft hàng năm phỏng vấn tuyển dụng 20%-25% nhân lực công nghệ thông tin, nhưng chỉ 10% đáp ứng được yêu cầu.

Tương tự, trong lĩnh vực công nghệ vật liệu, nguồn nhân lực CNC “cung không kịp cầu” mặc dù việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này được triển khai ở hầu hết các trường trên cả nước, nhưng số lượng người được đào tạo không theo kịp với nhu cầu sử dụng thực tế.

Đối với lĩnh vực công nghệ sinh học, hiện nguồn nhân lực công nghệ sinh học của Việt Nam đang đi sau hàng chục năm so với nhiều nước đang phát triển.

Trong lĩnh vực gen thì số lượng đào tạo cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này cũng rất hạn chế. Đến nay, tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng với xu hướng chọn ngành khi thi đại học như hiện nay cho thấy số lượng nhân lực cho công nghệ sinh học chưa chuyển biến.

Thứ hai, còn nhiều bất cập trong đào tạo và hướng nghiệp trong hoạt động đào tạo nhân lực CNC.

Nguyên nhân của tình trạng chỉ số ít sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng khi ra trường có thể làm được việc trong những lĩnh vực được đào tạo có khá nhiều. Song không thể không có căn nguyên từ những bất cập trong khâu đào tạo và hướng nghiệp cho học sinh. Lâu nay, công tác hướng nghiệp phần lớn chỉ tập trung vào nhóm ngành kinh tế chứ chưa chú trọng vào nhóm ngành CNC. Trong tổng số sinh viên ra trường, sinh viên thuộc lĩnh vực công nghệ lại chiếm quá thấp (chỉ khoảng 40%), còn lại là các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế – quản lý – khoa học xã hội (chiếm hơn 60%).

Thêm vào đó, chương trình đào tạo tại các trường còn tản mạn, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Giáo trình và bài giảng còn nặng về lý thuyết, chủ yếu dạy nguyên lý, cách giải quyết bài toán tổng quát, chưa bám sát được sự phát triển của công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Vì thế, nguồn nhân lực sau đào tạo có nền tảng kiến thức lý thuyết, nhưng kỹ năng thực hành, năng lực ứng dụng còn rất hạn chế, đặc biệt là chưa được tiếp cận với công nghệ mới, tiên tiến đang diễn ra ở các DN nước ngoài. Nội dung, phương thức đào tạo trong nhà trường và nhu cầu của các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực còn một khoảng cách khá xa, đào tạo chưa bám sát và chưa gắn với thực tiễn về phía đơn vị sử dụng nguồn nhân lực.

Hơn nữa, đào tạo nhân lực ở Việt Nam không theo tiêu chuẩn nào, vấn đề sinh viên ra trường không có việc làm chủ yếu là do chất lượng đào tạo. Quy mô đào tạo còn mang tính tràn lan không có tính định hướng, nặng về số lượng, chưa đáp ứng thực chất theo nhu cầu. Mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ của các đơn vị sử dụng lao động còn ít, dẫn đến tình trạng đầu ra đào tạo nguồn nhân lực thiếu cân đối với nhu cầu thực tế.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy các ngành CNC còn hạn chế.

Theo Tạp chí Công nghiệp, khảo sát trên tổng số 5.094 giảng viên cơ hữu của 10 trường đại học có đào tạo các ngành CNC, chỉ có khoảng 1.500 giảng viên đúng chuyên ngành CNC (chiếm gần 30%); trong đó chức danh giáo sư chỉ có 11 người, phó giáo sư có 97 người, tiến sĩ có 270 người và 694 người có trình độ thạc sỹ.

Với số lượng giảng viên như vậy, việc đào tạo đáp ứng đủ chỉ tiêu sẽ vô cùng khó khăn. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng của các trường đại học tại Việt Nam hiện nay có thể nói là không theo kịp với các công nghệ tiên tiến hiện đại trên thế giới. Số lượng sách báo, tài liệu, giáo trình phục vụ cho việc nghiên cứu còn rất nghèo nàn.

Sách Trắng Khoa học – Công nghệ Việt Nam năm 2014 cho thấy, trong năm 2013, cả nước có 164.744 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trong đó, số người làm công tác nghiên cứu chuyên nghiệp tại các viện, trung tâm nghiên cứu là 37.481 người. Xét theo chức năng làm việc, nhân lực nghiên cứu và phát triển được phân bố như sau: 128.998 cán bộ nghiên cứu (có trình độ cao đẳng, đại học trở lên); 12.798 cán bộ kỹ thuật; 15.250 cán bộ hỗ trợ; 7.800 người làm chức năng khác.

Với đội ngũ nhân lực nghiên cứu và phát triển nêu trên, khoa học và công nghệ Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đóng góp thiết thực đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có nhiều công trình, sản phẩm nổi bật, mang tính đột phá ở tầm khu vực và thế giới. Số công trình khoa học được công bố quốc tế có tốc độ tăng trung bình 22%/năm, nhưng giá trị tuyệt đối và chỉ số trích dẫn còn thấp, nhất là khi so sánh với các nước trong khu vực và thế giới.

Tổng số công bố khoa học và công nghệ của Việt Nam trong cơ sở dữ liệu Web of Science giai đoạn 2010-2014 là 9.976 bài báo, xếp thứ 59 trên thế giới; so với khu vực, Việt Nam đứng sau Singapore (xếp thứ 32), Malaysia (xếp thứ 38) và Thái Lan (xếp thứ 43), cao hơn Indonesia (xếp thứ 62) và Philippines (xếp thứ 66). Số lượng đơn sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2011-2013 của người Việt Nam là 1.126 đơn, trong khi có 10.690 đơn của người nước ngoài; số bằng độc quyền sáng chế được cấp của người Việt Nam còn thấp hơn nhiều, chỉ đạt 144 văn bằng, kém 21,7 lần so với số văn bằng được cấp của người nước ngoài (3.128).

Bên cạnh đó, tình cảnh thiếu hụt nhà khoa học giỏi, nhà khoa học đầu ngành luôn hiện hữu. Mặc dù số lượng cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ khá đông, nhưng hiện nay tình trạng thiếu hụt đội ngũ kế cận đang diễn ra. Số lượng nhà khoa học có trình độ cao và có kinh nghiệm ngày càng giảm do đến tuổi nghỉ hưu, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, lĩnh vực công nghệ cao.

Bên cạnh đó, hiện tượng “chảy máu chất xám” vẫn đang diễn ra trong nhiều năm, nền kinh tế thị trường đang phát triển đã dẫn tới nhiều cán bộ có chuyên môn sâu chuyển sang làm việc tại khu vực DN tư nhân hoặc DN có vốn đầu tư nước ngoài với mức thu nhập cao hơn.

Thứ tư, chưa có sự chuẩn bị nhân lực cho các ngành CNC mới.

Theo đánh giá, hiện nay chúng ta chưa sở hữu hay làm chủ được bất kỳ công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi nào thuộc lĩnh vực CNC mà mới chỉ dừng lại ở mức độ làm chủ được một vài công đoạn, một số quá trình hoặc một số yếu tố CNC nào đó mang tính chuyên ngành. Chính vì vậy, vấn đề nhân lực CNC vẫn đang là một bài toán khó đối với Việt Nam.

Một số khuyến nghị

Thứ nhất, làm tốt công tác hướng nghiệp đối với học sinh.

Lâu nay, công tác hướng nghiệp chỉ tập trung vào nhóm ngành kinh tế chứ chưa chú trọng vào nhóm ngành CNC. Công tác hướng nghiệp cũng còn nhiều bất cập khi mỗi nơi làm một kiểu, lực lượng hướng nghiệp viên và tài liệu đều thiếu. Vì vậy, tình trạng khá nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm và có hơn 60% số cử nhân, kỹ sư các trường đại học ở Việt Nam chấp nhận những công việc trái ngành hoặc làm việc ở trình độ thấp hơn. Tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% số học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 15% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học.

Hoạt động hướng nghiệp hiện nay rất quan trọng, giúp cho học sinh, sinh viên, người lao động có điều kiện xác định nghề nghiệp tương lai trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này, phải có sự kết hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo với lao động – việc làm như các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội DN, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề, các DN, tổ chức sử dụng lao động, phụ huynh, học sinh… Làm tốt được điều này sẽ giải quyết được cung – cầu lao động hợp lý.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi cá nhân cũng cần xác định việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại, nên sinh viên sau khi tốt nghiệp để phát triển nghề nghiệp phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… trong khi chờ các cơ quan chức năng có những giải pháp hỗ trợ giúp giải quyết việc làm.

Thứ hai, liên kết giữa DN và nhà trường trong đào tạo nhân lực CNC.

Hiện nay, để có nguồn nhân lực CNC phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, một số địa phương đã triển khai nhiều chương trình như gửi lao động đi đào tạo ở nước ngoài hoặc đào tạo tại các cơ sở giáo dục trong nước, liên kết đào tạo vừa học vừa làm theo nhu cầu của DN… Việc liên kết giữa các trường đại học, DN và viện nghiên cứu là một thực tế tất yếu khi đào tạo phải theo nhu cầu, theo đơn “đặt hàng” của DN. Các trường phải liên tục cập nhật thông tin, cải cách chương trình giảng dạy, đầu tư trang thiết bị mới.

Thứ ba, cần sự vào cuộc của Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho công tác đào tạo nhân lực CNC.

Để đáp ứng được yêu cầu của xã hội về nhân lực CNC, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, Chính phủ nên có cơ chế, chính sách cho mối liên kết này bằng cách cho phép trường đại học đào tạo cơ bản (còn gọi là đào tạo phần cứng) và các DN gửi nhu cầu đến các trường (đào tạo phần mềm). Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ giữ người tài, các chuyên gia giỏi, trong từng lĩnh vực CNC.

Nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của cán bộ quản lý khoa học công nghệ ở các ngành, các cấp. Ðổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ khoa học công nghệ dựa trên những giá trị đóng góp nổi bật trong nghiên cứu khoa học và cải tiến kỹ thuật.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Khoa học và Công nghệ: Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 – NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2015;

2. Bộ Y tế: Báo cáo hiện trạng và nhu cầu nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao;

3. http://www. thanhnien.com.vn/giao-duc/nhu-cau-ky-su-cao-nhung-kho-tuyen-532534.html;.

Theo tapchitaichinh.vn

CHIA SẺ TIN