Thực trạng ngành cơ khí chế tạo trước CMCN 4.0

Trong bối cảnh ngành công nghiệp thế giới đang bước sang CMCN 4.0, thì ở Việt Nam ngành cơ khí chế tạo còn đang khá lạc hậu, trình độ công nghệ chủ yếu vẫn ở trình độ của cuộc CMCN lần thứ 2 với nhiều khó khăn và tồn tại. Chẳng hạn như ngành sản xuất cơ khí cơ bản ở trình độ làm gia công. Ở nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ sức tự chế tạo ra một số sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế; chưa đủ sức chế tạo linh kiện, phụ tùng cho các tập đoàn đa quốc gia, sửa chữa các trang thiết bị phức tạp… Doanh nghiệp cơ khí thường có quy mô nhỏ, quản trị kém, công nghệ thấp, khả năng liên kết yếu. Việc sử dụng công nghệ điện tử và công nghệ thông tin còn chưa phổ biến, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.


Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng mang lại nhiều cơ hội cho ngành như: có điều kiện tiếp thu các công nghệ mới, hay còn gọi là đi tắt đón đầu, tạo ra phương pháp sản xuất thông minh, chuyển dịch sang nền kinh tế tri thức. Theo đánh giá của giới chuyên gia, CMCN 4.0 có tác động quan trọng đối với sản xuất cơ khí trong hiện tại và tương lai, nhất là đối với các vấn đề quản trị công nghệ, quản trị sản xuất. Doanh nghiệp cơ khí muốn phát triển bền vững, buộc phải đầu tư sử dụng khoa học công nghệ hiện đại vào việc phát triển các loại nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, tự động hóa tối đa quy trình sản xuất, nâng cao khả năng chế tạo, giúp tiết kiệm thời gian lao động, giảm thiểu chi phí. Bên cạnh đó là chú trọng đầu tư vào sản xuất các sản phẩm cơ khí quan trọng, có khả năng cạnh tranh cao, dung lượng thị trường lớn, nhằm tận dụng lợi thế về nguồn khoáng sản trong nước, tạo ra lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành; chú trọng vào công tác quản lý nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực của doanh nghiệp mình, áp dụng hệ thống quản trị tổng thể (ERP) giúp doanh nghiệp quản trị toàn bộ quá trình sản xuất, tính toán định mức nguyên vật liệu, kiểm soát chất lượng hàng tồn kho, báo cáo chất lượng sản phẩm, tính toán giá thành, theo dõi, giám sát hoạt động trong quá trình sản xuất.

CHIA SẺ TIN