Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô

Thực hiện định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Ðảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và của TP Hà Nội, Khu CNHT Nam Hà Nội (Hanssip) ra đời trong điều kiện chưa từng có tiền lệ đầu tư phát triển một khu công nghiệp chuyên sâu ngành CNHT và khó khăn mọi bề, kể cả từ tư duy, quy hoạch – thiết kế, đến định hướng đầu tư xây dựng bảo đảm hạ tầng chuẩn mực theo nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài và Việt Nam khi tham gia đầu tư sản xuất các sản phẩm thuộc ngành CNHT.

Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm phát triển bền vững và hiệu quả kinh tế, Hanssip phải thực hiện phân kỳ đầu tư hợp lý, sử dụng đất và gắn với phát triển khu đô thị dịch vụ – thương mại. Với sự quyết tâm vượt qua khó khăn, đơn vị đã mất ba năm trời ròng rã, thuyết phục người dân đồng thuận giải phóng mặt bằng. Sau đó, Hanssip còn gặp “bão” khủng hoảng tài chính, giá vật liệu san lấp biến động tăng cao và khan hiếm; cùng việc siết chặt các quy định về quản lý nguồn vốn, quy hoạch thiết kế, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… đã khiến tiến độ của khu công nghiệp (KCN) này không đạt theo đúng kỳ vọng ban đầu. Vượt qua các trở ngại, đến nay Hanssip giai đoạn 1 đã hoàn thành cơ bản để thu hút các DN trong nước và ngoài nước vào đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT. Hanssip được quy hoạch, thiết kế theo tiêu chuẩn Nhật Bản về chuỗi sản xuất liên kết ngay tại KCN theo đơn đặt hàng chuỗi sản xuất toàn cầu. Tập đoàn tư vấn thiết kế Nikken Sekkei Civil của Nhật Bản là đơn vị quy hoạch, thiết kế và tư vấn kết nối thu hút đầu tư. KCN được quy hoạch phát triển lên tới 640 ha nằm ngay cửa ngõ phía nam Thủ đô, thuộc thành phố vệ tinh Phú Xuyên (là đô thị vệ tinh công nghiệp và logistics), nằm sát hai bên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, rất thuận lợi về giao thông kết nối với cảng Hải Phòng, sân bay Nội Bài và là đầu mối chuỗi liên kết lan tỏa sản xuất và thương mại dịch vụ với các KCN và địa phương liền kề (Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình…) thuộc vùng kinh tế đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Khi đi vào hoạt động theo quy hoạch phát triển, toàn bộ 640 ha của Hanssip sẽ hội tụ khoảng 1.500 đến 2.000 DN lớn nhỏ, trực tiếp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tương ứng tạo ra việc làm cho khoảng 150 đến 200 nghìn lao động trực tiếp. KCN Hanssip được phát triển đồng bộ với không gian CNHT và công nghiệp khác (chế tạo, chế biến) với đô thị dịch vụ phụ trợ thương mại logistics để người lao động, chuyên gia làm việc, các DN sản xuất tại đây có không gian giao thương tạo chuỗi sản xuất ngay tại KCN. Với những lợi thế đó, Hanssip được coi là động lực thúc đẩy hình thành đô thị thành phố vệ tinh Phú Xuyên (là một trong năm đô thị vệ tinh quan trọng để phát triển kinh tế Hà Nội).

Qua gần 10 năm nghiên cứu, khảo sát, đầu tư phát triển và thu hút đầu tư, đã có nhiều DN lớn nhỏ trong nước và quốc tế khảo sát, làm việc và ký các hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ để đầu tư tại KCN Hanssip. Trong đó, có thể kể đến những tên tuổi khá nổi tiếng như Hiệp hội các nhà sản xuất linh kiện máy bay Nhật Bản vùng Cô-bê và Công ty Onaga là nhà sản xuất linh kiện hàng không cho Boeing, Airbus; Hiệp hội các DN dập đúc công nghệ cao của Nhật Bản, Công ty MBI – Hàn Quốc, chuyên sản xuất các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo (xe điện, thiết bị năng lượng mới),… Các tổ chức và đơn vị này đang cần thời gian chuẩn bị, nhất là sau thời gian dịch Covid-19 và các chính sách ưu đãi đầu tư đủ mạnh của Việt Nam để sớm triển khai thực hiện. Sự ra đời của KCN Hanssip cũng góp phần hình thành Hiệp hội các DN ngành CNHT Hà Nội. Ðến thời điểm này, có khoảng 200 hội viên lớn, nhỏ đang sản xuất các sản phẩm cho các tập đoàn lớn nước ngoài như Honda, Canon,… Chủ đầu tư KCN Hanssip là nhà sáng lập, lãnh đạo Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội (Hansiba).

Phải khẳng định rằng, sự ra đời của Hanssip là sản phẩm cụ thể hóa chủ trương phát triển bằng được ngành CNHT Việt Nam của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ. Ðây là chủ trương hết sức đúng đắn, bởi sau đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta thấy rằng, các sản phẩm dành cho dân sinh như khẩu trang, thiết bị y tế, máy thở,… rất thiết yếu, trong khi chúng ta chưa sản xuất được bởi thiếu ngành CNHT. Các DN Việt Nam chưa tham gia sản xuất được không phải không có năng lực, trình độ, mà còn thiếu các yếu tố cần và đủ như nguồn vốn ưu đãi dành cho CNHT (kể cả vốn ODA) để mua máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng và bảo lãnh của Chính phủ vay vốn các ngân hàng trong nước.

Các DN ngành CNHT, KCN Hanssip cũng như các KCN khác tại Việt Nam đang quyết tâm mạnh mẽ vượt qua khó khăn nhưng rất cần “bàn tay” của Nhà nước để hoàn thiện chính sách, cụ thể hóa cơ chế, chủ trương tạo thuận lợi cho DN, người dân cùng chung tay phát triển kinh tế đất nước và ngành CNHT Việt Nam. KCN Hanssip và chuỗi các KCN chuyên sâu CNHT phát triển tới đây cần hướng đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc để phát triển, coi đây như “giấy thông hành” để hội nhập kinh tế quốc tế. Hanssip đang được UBND thành phố Hà Nội giao chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch để đầu tư phát triển, trở thành KCN bền vững của Thủ đô và cả nước. Ðại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng hé mở nhiều cơ hội mới đối với Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Từ trợ lực của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ, các DN đầu tư sản xuất CNHT sẽ đủ năng lực tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu và chiếm lĩnh thị phần của thị trường Việt Nam.

Theo Nguyễn Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội (Hansiba)

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

CHIA SẺ TIN