Thúc đẩy phát triển ngành Cơ khí chế tạo: Cần “bàn tay hữu hình” của Nhà nước

Tại Hội nghị “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy ngành Cơ khí chế tạo Việt Nam” diễn ra ngày 14/5/2019 tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp cơ khí đều cho rằng, ngành cơ khí là “xương sống” của nền kinh tế, Nhà nước cần có cơ chế và ưu tiên đầu tư nguồn lực để phát triển ngành. 
Nhà nước, doanh nghiệp nên tiếp tục đầu tư và ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí. Ảnh: Lê Tiên

Nhà nước, doanh nghiệp nên tiếp tục đầu tư và ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành Cơ khí. Ảnh: Lê Tiên

Chủ trương đã có từ lâu, nhưng trong bối cảnh hiện tại, việc đầu tư cần phải có trọng tâm và trọng điểm.

Đầu tư lớn, thu hồi chậm

Theo ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam, đặc thù của ngành cơ khí là đầu tư ban đầu lớn, chu kỳ sản xuất dài, vòng quay vốn chậm, lợi nhuận thấp và thời gian thu hồi vốn lâu nên khi chuyển sang cơ chế thị trường, ngành cơ khí đã bị chững lại, không được đầu tư mới một cách tương xứng, do đó không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, do thiếu các chính sách hỗ trợ và bảo vệ thị trường trong nước nên thị phần của ngành cơ khí bị thu hẹp, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu và hàng nhập lậu của nước ngoài, kể cả các sản phẩm trước đây từng là thế mạnh của ngành cơ khí Việt Nam như: máy công cụ, máy động lực nhỏ, xe đạp, quạt điện, máy bơm nước…

Tại Hội nghị, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam bày tỏ băn khoăn: Tại sao chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích xây dựng, phát triển ngành cơ khí đã có từ lâu nhưng lại khó đi vào cuộc sống, để dẫn đến năm 2019, chúng ta vẫn phải nghiên cứu tháo gỡ rất nhiều rào cản về chính sách, cơ chế đang còn gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này? Theo ông Long, việc ban hành một số sắc thuế nhập khẩu vật tư, xuất khẩu sản phẩm cơ khí, thuế đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp cơ khí nội địa chưa mang tính khuyến khích sản xuất và thiếu sự công bằng giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn tới sản xuất kinh doanh sản phẩm cơ khí nội địa thiếu sức cạnh tranh ngay trên “sân nhà” nên ngày càng tụt lại xa hơn so với quốc tế.

Ông Long cho rằng, để ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam phát triển được trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, dứt khoát phải có “bàn tay hữu hình” của Nhà nước thể hiện bằng một hệ thống chính sách đồng bộ và nhất quán.

Cần đầu tư vào lĩnh vực mũi nhọn

Theo kỹ sư Nguyễn Thế Hà đến từ Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, trong điều kiện hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam nên tập trung đầu tư, chủ động phát triển lĩnh vực cơ khí nông nghiệp để tăng năng suất lao động nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, tạo giá trị tăng thêm trong toàn chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Ông Hà cho biết, từ thực tiễn những doanh nghiệp giữ vững thị phần ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, ngành cơ khí Việt Nam cần có chiến lược phát triển theo các tiêu chí thích nghi, hiệu quả, hiện đại; chủ động nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực và thợ cơ khí lành nghề; sản xuất ra các dòng máy thông minh, tinh xảo, hiện đại, có sức cạnh tranh trên nhiều thị trường…

Còn ông Đỗ Hữu Hào cho rằng, Nhà nước, doanh nghiệp nên tập trung phát triển một số lĩnh vực mang tính nền tảng của ngành cơ khí chế tạo. Cụ thể là tiếp tục đầu tư và ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí (lĩnh vực ô tô, đóng tàu, chế tạo thiết bị phục vụ nông – lâm – ngư nghiệp); khuyến khích các doanh nghiệp luyện kim trong nước đầu tư sản xuất thép chế tạo để cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho ngành cơ khí.

Ông Hào cũng đề xuất giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp cơ khí xuống còn 15% (thay vì 25% như hiện nay); nâng hệ số điểm ưu tiên cho doanh nghiệp sử dụng sản phẩm chế tạo trong nước thay cho các sản phẩm cung cấp từ nước ngoài khi đấu thầu lên 15% điểm tổng hợp trong bảng đánh giá (thay vì cộng thêm 7,5% điểm tổng hợp như hiện nay)…

Theo một số chuyên gia ngành cơ khí, Nhà nước nên chọn một số sản phẩm chủ lực, giao mỗi sản phẩm cho một doanh nghiệp chủ trì, kết hợp với các cơ sở nghiên cứu và chế tạo khác nghiên cứu hoàn thiện để tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm công nghệ cho đến khi trở thành sản phẩm thương mại thông qua nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ.

CHIA SẺ TIN