Sáng ngày 24/9/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì Hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam.
Cùng tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cơ khí trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đây là diễn đàn có ý nghĩa quan trọng để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển ngành cơ khí; đánh giá, nhận diện những tồn tại, nguyên nhân của các hạn chế đó; phân tích tiềm năng, lợi thế, thách thức của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam để trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng
Ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Chính phủ, công nghiệp cơ khí Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2017, số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng 25.014 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo; với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh là 1.465.008 tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 1.123.545 lao động, chiếm gần 16% tổng số lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo (theo Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2018). Trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã manh nha mô hình cụm ngành (cluster) về ngành chế tạo (như khu phức hợp cơ khí Chu Lai – Quảng Nam…). Bên cạnh đó, ngành cơ khí cũng đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực.
Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; và ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Công Thương thăm một số trưng bày các thành tựu của ngành cơ khí Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiêu
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, yếu kém còn tồn tại của ngành cơ khí hiện nay. Cụ thể, sản phẩm cơ khí Việt Nam chỉ có rất ít thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành sản phẩm cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có các doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt ngành. Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Theo Bộ trưởng, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất cơ khí nội địa rất khó trở thành nhà thầu phụ cung cấp máy móc, thiết bị cho các dự án đầu tư lớn được triển khai nhiều trong giai đoạn vừa qua (ngành nhiệt điện, thép, hóa chất, hạ tầng giao thông…). Tính đến hết năm 2017, mặc dù tỷ lệ số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành cơ khí trên tổng số doanh nghiệp các ngành chế biến chế tạo khá cao (gần 30%), tuy nhiên tỷ lệ giá trị doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cơ khí so với toàn ngành chế biến, chế tạo khá thấp và có xu hướng giảm qua các năm (giảm hơn 18%). Điều này chứng minh hiệu quả đầu tư của toàn ngành cơ khí nhìn chung chưa cao, chưa thể hiện vai trò là nền tảng cho phát triển công nghiệp. Các phân ngành cơ khí quan trọng như: thiết bị toàn bộ, máy động lực, cơ khí phục vụ nông–lâm–ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, máy công cụ, cơ khí xây dựng, cơ khí đóng tàu thủy, thiết bị kỹ thuật điện – điện tử và cơ khí ô tô – cơ khí giao thông vận tải đạt kết quả thấp so với Chiến lược phát triển ngành cơ khí đã đề ra.
Nguyên nhân của những hạn chế trên do công nghiệp cơ khí là ngành có rào cản gia nhập thị trường lớn. Đây là những rào cản của tự nhiên do đặc thù của ngành như: đòi hỏi nhiều vốn, đầu tư ban đầu lớn, thời gian quay vòng vốn dài, vốn luân chuyển chậm; đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao, người lao động có tri thức, tay nghề, kỷ luật lao động; sản phẩm của ngành không phải dễ dàng phân phối, tiêu thụ như sản phẩm của nhiều ngành công nghiệp khác. Trong thời gian qua, các điều kiện kinh tế – xã hội khách quan cũng như chủ quan của Việt Nam chưa thực sự thuận lợi cho việc phát triển ngành.
Phát triển ngành cơ khí Việt Nam trên cơ sở tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường
Từ thực trạng ngành cơ khí Việt Nam hiện nay, nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về phát triển công nghiệp cơ khí, Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (được phê duyệt tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ) đã khẳng định quan điểm và mục tiêu phát triển công nghiệp cơ khí trong thời kỳ mới. Theo đó, quan điểm phát triển: “Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ; đảm bảo khả năng tham gia sâu, có hiệu quả của nền kinh tế vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu, được quan tâm đầu tư thích đáng. Bên cạnh đó, tập trung phát triển các phân ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh; Phát triển ngành trên cơ sở sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ tiên tiến, lấy cạnh tranh toàn cầu là động lực phát triển; Khai thác các lợi thế sẵn có và cơ hội quốc tế trong quá trình hội nhập; Chú trọng phát triển một số chuyên ngành, lĩnh vực cơ khí lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; Phát triển ngành cơ khí Việt Nam trên cơ sở tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Từ đó, ngành cơ khí Việt Nam hướng đến mục tiêu tổng quát, đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã phân tích các chính sách hỗ trợ đầu tư nhằm phát triển ngành cơ khí (phát triển thị trường; hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào cho các dự án cơ khí trọng điểm; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các doanh nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ mua bán, sáp nhập cho các doanh nghiệp trong ngành cơ khí; hỗ trợ cho các dự án sản xuất lớn trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô…). Bộ trưởng cũng đề cập đến các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai để phát triển ngành cơ khí. Ngoài ra, còn có các giải pháp như hoàn thiện việc xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ vượt trội thu hút đầu tư nước ngoài cho các ngành cơ khí; phát triển công nghiệp hỗ trợ; cải thiện môi trường đầu tư và xúc tiến đầu tư các ngành cơ khí…
Chính phủ quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp ngành cơ khí
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các bài trình bày và thảo luận của các diễn giả, qua đó, thấy rõ vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của ngành cơ khí đối với nền kinh tế. Có thể nói, ngành cơ khí là “bánh đà” tạo động lực phát triển cho nhiều ngành kinh tế cũng như động lực tăng trưởng cho đất nước. Để nền kinh tế có thể chuyển dịch cơ cấu nhanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, tránh bẫy thu nhập trung bình, tạo việc làm và phát triển bền vững, không thể không có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển, mà trong đó ngành cơ khí đóng vai trò rất quan trọng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị
Thủ tướng cũng đánh giá cao việc chỉ ra những hạn chế của chính sách hiện hành liên quan đến phát triển thị trường, hỗ trợ tín dụng, tiếp cận vốn vay; các quy định về thuế, đặc biệt là quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước, thuế nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu sản xuất; các quy định về, đất đai, môi trường… Những hạn chế này cần phải được giải quyết dứt điểm, trong thời gian sớm nhất nhằm tạo môi trường đầu tư, điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp ngành cơ khí. Các chính sách khi xây dựng cần tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng xã hội quan tâm đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhiều hơn.
Thủ tướng ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các doanh nghiệp đại diện cho gần 150 doanh nghiệp cơ khí có mặt tại Hội nghị. Theo Thủ tướng, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp quyết định sự thành công của ngành cơ khí. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, đưa ngành công nghiệp cơ khí phát triển mạnh mẽ.
Để giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế của ngành cơ khí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương:
Một là, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, đề xuất các chính sách phát triển thị trường cho các ngành cơ khí, trong đó chú trọng ngành sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí phục vụ nông nghiệp và việc ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước đối với các ngành cơ khí xây lắp, thiết bị toàn bộ. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát, kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện các quy định của pháp luật về ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước đối với các sản phẩm cơ khí
Hai là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh để phát triển các sản phẩm cơ khí trong nước.
Ba là, tận dụng tốt lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hoá và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm cơ khí trong nước.
Bốn là, chủ trì, phối hợp Hiệp hội ngành hàng, các tổ chức liên quan tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành cơ khí. Trên cơ sở đó, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm là, chủ trì, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp cơ khí.
Sáu là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi, hỗ trợ quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2015 và Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí; xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan…
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gửi lời cảm ơn sâu sắc trước sự quan tâm của Lãnh đạo Chính phủ đối với sự phát triển của ngành cơ khí nước nhà, đồng thời khẳng định Bộ Công Thương sẽ nhanh chóng, quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, phối hợp hiệu quả với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành để sớm có sự “vào cuộc” đồng bộ, tiếp sức cho ngành cơ khí Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa.