Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành, và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12.
Ðây là một trong chuỗi hàng loạt giải pháp Chính phủ liên tục ban hành trong các năm gần đây nhằm khuyến khích ngành sản xuất ô tô trong nước cũng như hạn chế xe nhập khẩu. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại chưa như mong đợi khi lượng ô tô nhập khẩu tiếp tục tăng cao.
Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9 vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gần 8.700 ô-tô nguyên chiếc các loại, tương đương giá trị khoảng 197 triệu USD. So với tháng 8, lượng xe nhập giảm 15% về lượng và 13% về giá trị. Tuy nhiên, lũy kế trong chín tháng, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam vẫn tăng cao, đạt 114.377 chiếc, tăng 71,5% so cùng kỳ năm 2020; riêng ô-tô con (chín chỗ trở xuống) số lượng nhập lên hơn 78 nghìn chiếc, tăng 57,8%. Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, lượng ô-tô nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Xe nhập khẩu vẫn chiếm vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh doanh của các hãng xe.
Ngành công nghiệp ô-tô của một quốc gia sẽ kém phát triển nếu công nghiệp hỗ trợ đi kèm không đáp ứng kịp yêu cầu. Trong khi đó, công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô của Việt Nam những năm gần đây dù có bước tiến nhất định, nhưng còn kém so các nước trong khu vực và bộc lộ không ít hạn chế. Cụ thể, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô-tô đang phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng. Do máy móc, công nghệ tương đối lạc hậu, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đạt thấp, giá lại cao, còn khoảng cách khá xa so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Tốc độ cập nhật công nghệ của các doanh nghiệp cũng rất chậm, vì vậy hiện chỉ một vài nhà cung cấp trong nước đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô. So với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô-tô thua kém nhiều khi nước này có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, nhưng chúng ta chỉ có chưa đến 100; Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2 hoặc 3 trong khi Việt Nam có chưa đến 150.
Mặt khác, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân dưới chín chỗ ngồi còn rất thấp: Mục tiêu đề ra vào năm 2020 đạt từ 30% đến 40%, năm 2025 lên từ 40% đến 45% và năm 2030 đạt từ 50% đến 55%, nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng từ 7 đến 10%. Phụ tùng linh kiện ô-tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe,… Ðể phục vụ lắp ráp ô-tô, các hãng xe trong nước phải nhập khẩu hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận, linh kiện quan trọng thuộc hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái,… khiến chi phí sản xuất thiếu cạnh tranh. Ðây chính là lý do khiến các hãng xe ít mặn mà với việc lắp ráp, chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc. Ðại diện hãng Toyota cho biết: Dòng xe Corolla Cross là mẫu bán chạy nhất của hãng trong tháng 9 vừa qua hiện đang được nhập khẩu từ Thái Lan với giá từ 720 triệu đồng, nhưng nếu chuyển sang lắp ráp trong nước chắc chắn giá cao hơn nhiều.
Kinh nghiệm từ các nước
Theo các chuyên gia, công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô phát triển sẽ có tác động tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm ô-tô lắp ráp hoàn chỉnh trong nước. Mặt khác, không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô-tô, công nghiệp hỗ trợ còn tạo ra hiệu ứng kéo theo các ngành công nghiệp khác cùng phát triển như luyện kim, nhựa, cao-su, dệt may, điện-điện tử,… góp phần giải quyết việc làm, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, kích thích tiêu dùng trong nước, mở rộng quy mô thị trường của các ngành công nghiệp này.
Từ kinh nghiệm xây dựng và thực thi chính sách của một số quốc gia trên thế giới, các chuyên gia kiến nghị cần xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô tổng thể với lộ trình và bước đi thích hợp. Sự thành công của nền công nghiệp ô-tô Thái Lan cũng bắt đầu bằng việc xây dựng được một chiến lược tổng thể và tập trung nguồn lực phát triển cho công nghiệp hỗ trợ. Việc tạo dựng được một mạng lưới công nghiệp hỗ trợ vững mạnh, trình độ công nghệ cao đã tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp ô-tô Thái Lan. Bên cạnh đó, cần nhất quán phát triển công nghiệp hỗ trợ dựa trên nền tảng hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy đầu tư liên kết, liên doanh để học hỏi công nghệ và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp. Cộng thêm việc khuyến khích vai trò đầu tàu của hãng xe lớn được chọn trong thiết lập các vùng (cụm) công nghiệp, từ đó hội tụ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm hình thành mạng sản xuất và vùng cung ứng. Ðây là giải pháp Trung Quốc đã triển khai rất thành công. Quốc gia này đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào công nghiệp hỗ trợ ô-tô trong mạng sản xuất địa phương. Bên cạnh việc thu hút các hãng xe nước ngoài đầu tư, Trung Quốc cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào sản xuất linh kiện, phụ tùng ô-tô và cơ khí. Những chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng và nhiều biện pháp khuyến khích các hãng nước ngoài sử dụng các linh kiện sản xuất trong nước đã có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô. Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích các liên doanh sản xuất thương hiệu ô-tô trong nước, nhờ đó góp phần tạo nên sự gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, trong đó các doanh nghiệp lớn đóng vai trò trung tâm thu hút liên kết và thực hiện chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ.
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thực hiện tốt vai trò hỗ trợ phát triển. Theo đó, để tháo gỡ vướng mắc về chênh lệch chi phí sản xuất giữa ô-tô trong nước và ô-tô nhập khẩu, cần tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả các chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ô-tô. Ðồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định khuyến khích doanh nghiệp nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm cũng như giá trị gia tăng tạo ra trong nước.
Nguồn: Báo Nhân dân