Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lớn mạnh là tạo nền tảng để ngành công nghiệp của một quốc gia phát triển vững chắc. Dù đạt được những kết quả tích cực, song ngành CNHT Việt Nam còn khá non trẻ, yếu kém ở một số phân ngành… Trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, các nước có nhiều thay đổi trong chính sách xây dựng chuỗi cung ứng, nhiều cơ hội và thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp CNHT. Số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp 2, cấp 3 là khoảng 700 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm CNHT của Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể, trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45-50%; cơ khí chế tạo đạt 15-20%; sản xuất, lắp ráp ô tô đạt 5-20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ này cao hơn.
Các chuyên gia cho rằng, bối cảnh hiện nay cũng mang tới cơ hội lớn cho ngành CNHT tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với lợi thế nhất định về kinh tế-chính trị, Việt Nam đang trở thành điểm đến với hàng loạt doanh nghiệp đầu chuỗi. Trong đó, làn sóng dịch chuyển này sẽ đổ vào công nghiệp công nghệ cao, bán dẫn…
Để giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội, ông Phạm Tuấn Anh thông tin, Bộ Công Thương sẽ sửa đổi, hoàn thiện các chính sách pháp luật, nhất là xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp CNHT. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đang sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT, trong đó điểm mới nhất là đề xuất việc cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT; đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm CNHT, đồng nghĩa với mở rộng danh sách hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT với nhiều cơ chế ưu đãi.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp CNHT của Việt Nam nâng cao năng lực cũng như kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng với nhau. Riêng đối với việc mở rộng thị trường, ngoài việc xúc tiến đầu tư, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành và khu vực liên kết ngành, để làm sao có một doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào, kéo theo các doanh nghiệp CNHT, từ đó giảm giá thành của sản phẩm, tăng lợi thế của doanh nghiệp CNHT.