Với năng lực còn hạn chế, việc mở rộng sản xuất, thị trường đối với nhiều doanh nghiệp cơ khí sẽ gặp khó khăn, nhất là sau những tác động của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dự báo nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, cùng với nhiều Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết, các doanh nghiệp có sự thay đổi, thích nghi, sẽ tận dụng được cơ hội đón làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó sẽ giúp doanh nghiệp ngành cơ khí nâng cao năng lực sản xuất, chủ động hội nhập.
Khả năng liên kết yếu
Báo cáo của Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương cho thấy, hiện Việt Nam có hơn 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, với doanh thu thuần hơn 1.465.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương đánh giá, các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Cùng đó, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao và gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Do đó, thị phần cơ khí trong nước phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tính liên kết còn hạn chế; yếu tố tạo lập thị trường, liên kết vùng, nhân sự… vẫn còn yếu.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho hay, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng 32% theo giá trị nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Doanh nghiệp phổ biến là quy mô nhỏ, thiếu vốn, thiếu thị trường, thiếu lực lượng lao động chất lượng cao, công nghệ lạc hậu, năng lực quản trị kém.
“Do đó, doanh nghiệp trong nước chưa có khả năng thiết kế, chế tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh; tính hội nhập còn kém, các doanh nghiệp không tham gia được vào chuỗi cung toàn cầu”, ông Nguyễn Chỉ Sáng nói.
Thông tin từ VAMI chỉ ra rằng, dù vậy, cơ hội cho ngành cơ khí trong thời gian tới là rất nhiều. Trước hết, thị trường cho máy móc thiết bị của Việt Nam rất lớn, đến giai đoạn năm 2030 khoảng 300 tỷ USD. Trong đó, giá trị máy móc thiết bị cho các công trình công nghiệp như: nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản khoảng 120 tỷ USD; thiết bị và vật tư cho xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc khoảng 20 tỷ USD; hệ thống tàu điện ngầm khoảng 10 tỷ USD; công nghiệp ô tô khoảng 130 tỷ USD…
Dung lượng lớn như vậy sẽ là sức hút để nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam. Điểm quan trọng là doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do và sự phục hồi sau dịch bệnh để thoát khỏi khó khăn và vươn lên hay không, ông Nguyễn Chỉ Sáng cho hay.
Đón đầu hội nhập
Theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng năm 2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 48% với gần 9,3 tỷ USD.
Ông Đào Phan Long, chuyên gia lâu năm trong ngành cơ khí cho rằng, lĩnh vực cơ khí tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; trong đó có ngành cơ khí chế tạo, công nghệ cao dể đón đầu xu thế.
Theo ông Trần Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kết cấu thép và Thiết bị nâng Việt Nam (Vinalift), để đón đầu cơ hội, bản thân doanh nghiệp phải xây dựng được chất lượng, tiêu chuẩn phù hợp với quốc tế và khu vực. Ngoài ra, cũng cần tăng cường hợp tác, liên kết, tạo sức mạnh tổng hợp và tránh đầu tư dàn trải. Có như vậy, doanh nghiệp mới tạo ra được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh.
Ông Tuấn đề nghị, Tổng hội cơ khí, Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam với vai trò trung gian, cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cơ khí định hướng, hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp cơ khí để cùng phát triển.
Khẳng định vai trò của liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước để cùng vực dậy sau đại dịch COVID-19 và đón làn sóng đầu tư nước ngoài, ông Ngô Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ điện và vật liệu nổ 31 cho rằng cần phát huy vai trò dẫn dắt, liên kết của các doanh nghiệp lớn trong ngành. Bên cạnh đó là tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để nâng cao năng lực điều hành, quản lý, tiếp nhận công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh. Ở đây, vai trò kết nối của các hiệp hội và cơ quan nhà nước là cần thiết.
Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, trong năm 2021 và giai đoạn tới, để đón các nhà đầu tư chuyển hướng sang Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành phải liên kết mạnh mẽ hơn, cả về thông tin, công nghệ và đơn hàng. Ngoài hội nhập, Việt Nam cũng dự kiến triển khai nhiều dự án nguồn và lưới điện, đường sắt cao tốc, các cảng hàng không quốc tế, kinh tế biển, ôtô, xe máy…
Vì vậy, ông Sáng đề nghị, Nhà nước có quy định về tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị các dự án để tạo cơ hội cho doanh nghiệp cơ khí nội địa tham gia mà vẫn đảm bảo thông lệ quốc tế. Điều này sẽ tạo thị trường, nâng cao năng lực và sự liên kết của các doanh nghiệp trong nước.
Để hỗ trợ ngành cơ khí, Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, cơ khí chính xác, cơ khí chế tạo để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Bộ cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.