Tăng cường khai thác tiềm năng lớn của Việt Nam về công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tại VIMEXPO 2021

Triển lãm quốc tế lần thứ 2 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2021 sẽ góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế; tạo môi trường gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo cung ứng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm công nghiệp công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất công nghiệp chính; qua đó tăng cường khai thác tiềm năng lớn của Việt Nam về công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 và làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất về khu vực Đông Nam Á, Triển lãm quốc tế lần thứ 2 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2021 do Bộ Công Thương chỉ đạo, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp – Cục Công nghiệp chủ trì, Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Vietnam tổ chức từ ngày 27 đến 29/10/2021 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hanoi sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao nói riêng và ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường. Từ đó hình thành mạng lưới sản xuất với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong và ngoài nước, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI…

Nhờ có các chính sách đầu tư, phát triển công nghiệp hợp lý, hiệu quả, trong những năm qua, sản xuất công nghiệp của nước ta tăng trưởng khá. Đáng chú ý là các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao trong các năm gần đây có mức tăng trưởng tốt, tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng này còn thấp trong cơ cấu nhóm hàng hóa xuất khẩu của nước ta.

​Dù có nhiều tiềm năng, dù cơ hội rộng mở, nhưng nếu so sánh ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao của Việt Nam như một cuộc chạy đua marathon, thì những thành công của các doanh nghiệp hiện nay mới chỉ là chặng đường đầu tiên trên cả một lộ trình dài cần chinh phục, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sức bền và những chính sách hỗ trợ hợp lý.

Theo đó, muốn tỷ trọng của ngành được nâng lên thì nước ta cần chú trọng đến những nội dung sau:

  1. Do công nghệ chủ yếu có khởi nguồn từ các ý tưởng sáng tạo, nên đầu tư, phát triển, thương mại hóa công nghệ mang tính rủi do khá cao. Nhà nước cần có vai trò như là người đỡ đầu, kích thích những ý tưởng được phát triển, được hiện thực hóa bằng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích thực chất bằng đòn bẩy tài chính là đầu tư ban đầu cho phát triển công nghệ.
  2. Nhà nước cần thể hiện vai trò như một “vườn ươm công nghệ” đích thực, từ việc phát hiện ý tưởng của các doanh nghiệp, cá nhận, kích thích các ý tưởng đó phát triển đến việc tạo lập môi trường kinh tế phù hợp, bảo vệ các kết quả nghiên cứu một cách đích đáng và cuối cùng là thương mại hóa công nghệ không chỉ trong thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế. Từ đó, cũng tạo ra môi trường phù hợp để thu hút các nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài về Việt Nam đóng góp ý tưởng, phát triển công nghệ tại Việt Nam.
  3. Do các nhà khoa học đôi khi chỉ chú trọng vào công tác nghiên cứu, chưa thực sự quan tâm đến môi trường kinh doanh bên ngoài. Ngược lại, các doanh nghiệp, các nhà kinh doanh lại thường chú trọng tới thị trường, tới tính hiệu quả trong ngắn hạn mà còn e ngại đầu tư cho nghiên cứu phát triển mang tính dài hạn. Nhà nước cần là cầu nối thông qua các chính sách và biện pháp khuyến khích cụ thể, đóng góp đầu tư ban đầu và có thể thu lợi từ việc tạo lập các mối liên kết giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu. Thông qua đó, tạo lập nên các doanh nghiệp khoa học công nghệ.
  4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu các tiến bộ khoa học, công nghệ kể cả trong khoa học quản lý. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu chung, trao đổi chuyên gia kỹ thuật trong các ngành nghề, đẩy nhanh quá trình phát triển công nghệ từ lúc phát hiện ý tưởng cho đến khi thương mại hóa công nghệ trên các thị trường trong và ngoài nước, ở những nơi có môi trường kinh tế phù hợp nhất cho công nghệ đó phát triển và phát huy hiệu quả cao nhất.

CHIA SẺ TIN