Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2020, cả nước có có 26 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. DN hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng… Con số này cho thấy các DN đang bị tác động của đại dịch Covid-19 ngày càng nhiều hơn và rất cần sự hỗ trợ từ vốn cũng như chính sách để phục hồi sau dịch.
Thực tế, với những khó khăn mà DN gặp phải, để vực dậy nền kinh tế trong đại dịch, Chính phủ đã kịp thời đưa ra nhiều gói hỗ trợ tín dụng cho các DN và tới nay quy mô gói tín dụng đã lên tới 650 nghìn tỷ đồng. Đồng hành chia sẻ khó khăn cho DN, các Bộ ngành cũng đều có những chính sách kịp thời như: Tháng 2/2020 Ngân hàng Nhà nước có Thông tư 01/2020/TT-NHNN cơ cấu lại hạn trả nợ, miễn giảm lãi… cho DN; trong tháng 4/2020 Bộ Công Thương đã kịp thời đề xuất Chính phủ giảm giá điện, tiền điện 10% trong 3 tháng cho DN và người dân…
Mới đây nhất, Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội, đề xuất giảm 30% thuế thu nhập DN trong năm 2020 để hỗ trợ DN phục hồi nhanh sau dịch. Theo đó, dự thảo đưa ra mức giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
Để phục hồi nhanh sau dịch DN mong muốn các chính sách hỗ trợ cần thiết thực và kịp thời hơn. |
Liên quan đến vấn đề này, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, Ủy viên BCH Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh – cho biết, Việt Nam đang áp dụng mức thuế thu nhập DN (TNDN) 20% song mức này vẫn còn ở mức cao so với mặt bằng chung của các quốc gia và chưa khuyến khích DN. Mặc dù theo dự thảo về giảm thuế TNDN phải nộp năm 2020 thì các DN, HTX sẽ giảm 30% – đây được cho là mức hỗ trợ cao nhưng thực tế, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng từ Covid-19, DN đang rất khó khăn, không ít DN phải đóng cửa, phá sản và số DN dự kiến hoạt động có lãi trong năm nay rất ít. Vì vậy, dù là chính sách hỗ trợ, động viên DN vượt khó, phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đa số DN quy mô nhỏ và vừa khó hưởng lợi từ chính sách này. Chưa kể những chính sách mà Chính phủ đưa ra để hỗ trợ DN phục hồi sau dịch rất thiết thực nhưng khi triển khai vào từng DN vẫn chưa được nhanh như sự quyết liệt của Chính phủ. “Chúng tôi rất mong chính sách đến với DN nhanh hơn vì với DN việc khôi phục sau dịch rất cần thiết. Chính sách nếu áp dụng sớm ngày nào thì tăng tính cạnh tranh cho DN Việt Nam ngày đó”, ông Vũ mong muốn.
Đồng quan điểm, ông Vũ Minh Anh – Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại – Dịch Vụ Du lịch Đất Xanh nêu ý kiến: Với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đã cho thấy sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ dành cho các DN vừa và nhỏ nếu như được áp dụng. Tuy nhiên, với đặc thù DN ngành du lịch việc giảm thuế này cần phải kéo dài thêm thời gian cho đến năm 2021 và có thể dài thêm nữa.
Phân tích lý do, ông Minh Anh chỉ ra rằng, hiện nay các DN du lịch hoàn toàn không có doanh thu và để chờ cơ hội thị trường hồi phục thì phải có thời gian cũng như phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới chấm dứt. “Hiện tại chúng tôi vẫn phải gồng gánh bộ máy, giữ nhân viên bởi nếu đóng cửa, ngừng hoạt động sẽ mất cơ hội hồi phục phát triển sau này. Chính vì thế việc giảm thuế cho ngành du lịch cần kéo dài từ 1- 2 năm”, ông Minh Anh cho biết.
Các DN du lịch cho rằng, sự hồi phục, hưởng lợi từ các chính sách kích cầu toàn nền kinh tế thì ngành du lịch sẽ được lợi cuối cùng nên chính sách, thời gian giảm thuế cũng cần dài hơn các ngành khác. Và chỉ khi DN có nguồn khách, có doanh thu, lợi nhuận mới có thể thực hiện nghĩa vụ thuế tốt với nhà nước. Thêm vào đó, hoạt động du lịch MICE cũng cần được nhà nước giảm 10% thuế VAT khi các đối tác nước ngoài đặt qua các công ty du lịch trong nước để có thể cạnh tranh thu hút du lịch MICE với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…
Xuất phát từ thực tế khó khăn, theo ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, việc giảm 30%, 50% hay 100% thuế thu nhập trong năm 2020 sẽ không hiệu quả. Bởi lẽ, năm 2020, DN bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh nên sẽ có rất ít DN kinh doanh có lãi để được giảm thuế thu nhập.
Nhiều DN, hiệp hội DN đã kiến nghị, khẩn thiết mong Chính phủ xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ít nhất 1 năm, nhất là đối với sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp, để chia sẻ khó khăn và hỗ trợ DN hiệu quả. Chỉ cần thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống còn 3-5% thì giá thành và giá hàng hóa sẽ đi xuống, người tiêu dùng tăng sức mua, từ đó DN mới phát triển được. |