Nguồn nhân lực khiêm tốn
Theo thống kê, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô Việt Nam phát triển vẫn chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực. Hiện nay, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. So với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành này vẫn còn rất ít: Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, nhưng Việt Nam chỉ có chưa đến 100; Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2, 3, trong khi Việt Nam chỉ có chưa đến 150.
Tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô tô vẫn rất thấp
Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp: Mục tiêu đề ra là 30 – 40% vào năm 2020, 40 – 45% vào năm 2025 và 50 – 55% vào năm 2030, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 – 10%, trong đó Thaco đạt 15 – 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova (theo thông tin từ phía doanh nghiệp), thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra cũng như thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… Việt Nam phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận, linh kiện quan trọng, thuộc hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái, yêu cầu công nghệ chế tạo ở mức cao.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có thể tham khảo mô hình của Hàn Quốc với 6 giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành ít nhất 3 Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại 3 miền. Đó là, các Trung tâm kỹ thuật, máy móc dùng chung, cung cấp các dịch vụ chế tạo thử nghiệm, đo lường, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; trong đó có các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, và các dịch vụ cải tiến doanh nghiệp.
Thứ hai, cần bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp nhằm thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ để triền khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Thứ ba, nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương xây dựng các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng, trong đó chú trọng công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô; đầu tư các nguồn lực trên địa bàn trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương đó.
Thứ tư, cần xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, trong đó có công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, có thời hạn đến năm 2025; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.
Thứ năm, thu hút đầu tư các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và các nhà cung cấp cụm linh kiện, linh kiện lớn trong ngành ô tô trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước và thị trường ASEAN hơn là phục vụ thị trường toàn cầu.
Thứ sáu, cần thúc đẩy các dự án lớn về công nghiệp vật liệu, đặc biệt là các dự án sản xuất thép cán nóng, thép chế tạo… của các nhà đầu tư trong nước để bảo đảm nguồn vật liệu đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.
Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp; mức tăng trưởng bình quân cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của toàn ngành. |