Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, với những cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ Chính phủ, thời gian qua, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể.
Tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao do khả năng cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa được cải thiện trong thời gian qua. Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hoá cao, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hoá đạt từ 20% đến 50%).
Liên kết doanh nghiệp nội – ngoại của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô là hướng đi khả quan |
Hiện trên thị trường Việt Nam đã có sự hiện diện hầu hết các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Toyota, Honda, Ford… kéo theo một số nhà sản xuất vệ tinh và hệ thống các nhà cung ứng linh kiện phụ tùng nước ngoài thân thiết vào đầu tư. Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô nói riêng đã có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng dần tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị, linh kiện, phụ tùng và giảm dần tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất thân và thùng xe ô tô.
Nhưng nhìn trên tổng thể, giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ ô tô hiện mới chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân thấp hơn nhiều ngành so với mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành công nghiệp.
Đặc biệt, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, thấp hơn mục tiêu đề ra đồng thời thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Đáng quan ngại hơn, do sản lượng quá nhỏ, bên cạnh phụ tùng, linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… nên các nhà sản xuất phần lớn phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận, linh kiện quan trọng thuộc hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái, yêu cầu công nghệ chế tạo ở mức cao…
Để phục vụ lắp ráp ô tô trong nước, Việt Nam đã nhập khẩu các loại phụ tùng, linh kiện khác nhau với tổng giá trị nhập khẩu bình quân mỗi năm khoảng 2 tỷ USD, chủ yếu từ Nhật Bản (23%), Trung Quốc (23%), Hàn Quốc (16%) và Thái Lan (16%).
Thừa nhận ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự do doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam hiện vẫn phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan từ phía quản lý Nhà nước cả từ phía các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đơn cử, hệ thống chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô còn có những mâu thuẫn, thiếu nhất quán, thiếu ổn định. Nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam đang đi vào con đường mà các quốc gia đi trước đã từ bỏ, đó là có xu hướng tự cung tự cấp hoặc độc quyền, khép kín trong sản xuất ô tô. Đó còn là bởi công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô nói riêng phát triển phân tán, rời rạc, mối quan hệ lỏng lẻo giữa các nhà lắp ráp và các nhà cung ứng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm.
Đại diện Công ty TNHH Toyota chia sẻ, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô ở Việt Nam khó phát triển do sản lượng thấp đã đành, cùng với đó là kinh nghiệm quản lý sản xuất của các nhà cung ứng trong nước và công nghiệp vật liệu chất lượng cao chưa có, buộc phải nhập khẩu vật liệu nên chi phí sản xuất của các nhà cung ứng linh kiện tại Việt Nam cao hơn nhiều (2 – 3 lần) so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia và làm gia tăng chi phí sản xuất linh kiện tại Việt Nam. Ngoài ra, nguyên vật liệu để doanh nghiệp tăng nội địa hóa như thép lò xo, thép, nhựa, cao su chuyên dụng cho ô tô cũng bị đánh thuế khiến giá thành sản xuất xe trong nước không thể cạnh tranh ngay cả ở khu vực.
Đại diện Sở Công thương Hải Phòng chia sẻ, các doanh nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, ô tô trong nước phần lớn là nhỏ và vừa, vốn mỏng, nên khó tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại, càng khó đáp ứng các điều kiện để được hưởng cơ chế ưu đãi và tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Ngay cả Sở Công thương và doanh nghiệp hỗ trợ đều khó tiếp cận thông tin về công nghệ thiết bị, thị trường của ngành cơ khí, ô tô, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, ô tô nên khó tham mưu định hướng.
Chính phủ cần sớm ban hành chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng ô tô sản xuất trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ôtô. Đây được coi như điều kiện tiên quyết để ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển, mở ra cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.