Công nghiệp cơ khí là một trong những ngành xương sống, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. Những thách thức và cơ hội mới đặt ra trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đòi hỏi các cơ sở nghiên cứu, chế tạo cơ khí trong nước cần có những giải pháp, thay đổi để đảm bảo sự cạnh tranh và tồn tại.
Cuộc CMCN 4.0 được hình thành dựa trên kết hợp kỹ thuật số, với các công nghệ cao để tạo ra công nghệ thông minh như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT). Sự hội tụ các công nghệ đỉnh cao cho phép sử dụng các nguồn lực một cách tối ưu, tiết kiệm lao động, tiết kiệm đầu tư, tiết kiệm thời gian,… trong quá trình nghiên cứu – chế tạo công nghệ và tổ chức sản xuất. Trong khi đó, ngành Cơ khí nước ta còn đang khá lạc hậu, trình độ công nghệ thấp, với nhiều khó khăn và tồn tại. Doanh nghiệp cơ khí thường có quy mô nhỏ, quản trị kém, công nghệ thấp, khả năng liên kết yếu.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, CMCN 4.0 có tác động quan trọng đối với sản xuất cơ khí trong hiện tại và tương lai, nhất là đối với các vấn đề quản trị công nghệ, quản trị sản xuất.
Thách thức và cơ hội
Những tác động từ CMCN lần thứ 4 sẽ đặt ra rất nhiều thách thức cho ngành Cơ khí nước ta, đồng thời cũng tạo ra không ít cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí tận dụng các thành tựu của CMCN 4.0, nâng cao năng lực sản xuất.
Thách thức bởi, doanh nghiệp cơ khí nước ta phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Trong cuộc CMCN 4.0, máy móc thay thế con người trong công tác gia công chế tạo và lắp đặt thiết bị. Điều này buộc các doanh nghiệp cơ khí muốn phát triển mạnh và bền vững phải thay đổi cơ cấu lao động và ngành nghề, chuyển từ lao động có trình độ chuyên môn thấp lên trình độ chuyên môn cao, đầu tư công nghệ gia công tiên tiến, thay đổi phương thức quản lý sản xuất và nâng cao công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, đầu tư cho công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng lại rất tốn kém, còn nguồn lực của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam lại có hạn. Chính sách ưu tiên phát triển sản phẩm cơ khí nước ta chưa tạo được động lực thúc đẩy các doanh nghiệp vay vốn, đầu tư chiều sâu vào sản xuất.
Cùng với đó thì, cuộc CMCN lần thứ 4 sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp cơ khí nói riêng. Sự cạnh tranh không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.
Lao động ngành Cơ khí có thể gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, bởi những việc làm thủ công sẽ được tự động hóa thay thế bằng rô bốt, máy móc tự động. Việc hình thành, phát triển lực lượng lao động ngành Cơ khí được trang bị kỹ năng, trình độ để khai thác, làm chủ được công nghệ, phương thức vận hành mới cũng là một thách thức lớn đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Cơ khí nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, CMCN lần thứ 4 với sự phát triển vượt bậc của công nghệ gia công cơ khí sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất, tối ưu hóa quá trình sản xuất. Nếu đầu tư đúng và có định hướng sản phẩm, các doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. CMCN 4.0 cho phép doanh nghiệp cơ khí tiếp cận thông tin, tiếp cận tri thức, tiếp cận các công nghệ tiên tiến… Lao động ngành Cơ khí có tố chất ham học hỏi và nhanh nhạy, dễ thích ứng với cái mới, cho nên rất dễ dàng thích ứng với những cơ hội, công nghệ mới đến từ CMCN 4.0, từ đó, nâng cao trình độ, sáng tạo và nắm bắt công nghệ tiên tiến để ứng dụng.
Việc tiếp cận nhanh nhạy và ứng dụng linh hoạt những thành tựu của CMCN 4.0 sẽ giúp ngành Cơ khí nước ta có nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, tăng năng suất, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, sản xuất được những sản phẩm có chất lượng, giá cả cạnh tranh… qua đó, làm thay đổi phương thức quản lý, quản trị trong sản xuất cơ khí.
Thích ứng với xu hướng phát triển chung
Qua phân tích thách thức và cơ hội của ngành Cơ khí trong bối cảnh CMCN 4.0, có thể thấy, ngành Cơ khí Việt Nam muốn phát triển bền vững cần phải bắt kịp những xu hướng phát triển chung, thích ứng với cuộc CMCN 4.0. Ngành cần tập trung sản xuất các sản phẩm cơ khí quan trọng; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý.
Doanh nghiệp cơ khí muốn phát triển bền vững, buộc phải đầu tư sử dụng khoa học công nghệ hiện đại vào việc phát triển các loại nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, tự động hóa tối đa quy trình sản xuất, nâng cao khả năng chế tạo, giúp tiết kiệm thời gian lao động, giảm thiểu chi phí. Bên cạnh đó là chú trọng đầu tư vào sản xuất các sản phẩm cơ khí quan trọng, có khả năng cạnh tranh cao, dung lượng thị trường lớn, nhằm tận dụng lợi thế về nguồn khoáng sản trong nước, tạo ra lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành; chú trọng vào công tác quản lý nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực của doanh nghiệp mình, áp dụng hệ thống quản trị tổng thể (ERP) giúp doanh nghiệp quản trị toàn bộ quá trình sản xuất, tính toán định mức nguyên vật liệu, kiểm soát chất lượng hàng tồn kho, báo cáo chất lượng sản phẩm, tính toán giá thành, theo dõi, giám sát hoạt động giao hàng… Đặc thù ngành Cơ khí chế tạo yêu cầu phải có độ chính xác cao, do vậy, việc sử dụng ERP sẽ giúp hạn chế tối đa sai sót, chậm trễ trong quá trình sản xuất, gia công thành phẩm.
Việc đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nhân lực ngành Cơ khí từ bậc trung tâm đào tạo nghề, đến bậc cao đẳng, đại học đang dần trở thành xu hướng. Việc đầu tư vào đào tạo nguồn lực chất lượng cao là hướng đi lâu dài, bền vững cho Ngành. Ngành Cơ khí cần đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành, gắn liền việc đào tạo lí thuyết với thực hành; cử cán bộ, công nhân giỏi đi đào tạo ở nước ngoài theo các chương trình, dự án được phê duyệt, nhằm xây dựng lực lượng lao động chất lượng, có tay nghề, trình độ chuyên môn cao, làm việc năng suất, hiệu quả.