Nhiều tập đoàn lớn có kế hoạch chuyển dịch đầu tư đến Việt Nam

Việc kiểm soát được dịch Covid-19 là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm 2019 (3,5%). Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 19,28 tỷ USD, tăng 24,2%; mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 21,5 tỷ USD, giảm 8,4%.

Do đó, Bộ Công Thương dự kiến trong 6 tháng cuối năm, ngành điện tử vẫn bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu. Trong đó, doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến ngành điện tử nói chung. Samsung Việt Nam cũng dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020 (so với 51,38 tỷ USD năm 2019).

Bộ Công Thương đánh giá, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đây được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Hiện nay, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này.

Việt Nam chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục đón làn sóng đầu tư mới sau đại dịch Covid-19

Thực tế cũng cho thấy, hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam như LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng.

Theo Nikkei, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 – 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn – nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay, sẽ từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan.

“Năm 2019, khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang, các công ty đa quốc gia đã rục rịch chuyển dòng vốn, chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc để tránh phụ thuộc vào một nguồn cung nguyên liệu. Sang đến năm 2020, dịch Covid-19 được xem như một cú hích cho làn sóng này diễn ra nhanh hơn. Trong khi đó, việc kiềm soát tốt dịch Covid-19 đang mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam đón nhận dòng vốn này. Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới”, Bộ Công Thương nhận định.

Để tận dụng được cơ hội từ việc chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn đến Việt Nam, Bộ Công Thương cũng có nhiều để xuất như phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước.

Đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota…) tăng cường tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.

Ngoài ra, Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ, tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.

 

CHIA SẺ TIN