Ngày 3 tháng 11 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ; áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm: Hoạt động trợ giúp của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân về công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hợp tác quốc tế, phát triển thị trường; đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; cung ứng dịch vụ phục vụ công nghiệp hỗ trợ.
Một số chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ cụ thể:
Nghiên cứu và phát triển |
Ứng dụng và chuyển giao |
Phát triển nguồn nhân lực |
Hỗ trợ phát triển thị trường |
– Được tài trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ từ các Quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo;
Được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu và phát triển từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao; Được Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với Dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng các ưu đãi sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai; được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. |
Tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hưởng ưu đãi của pháp luật về chuyển giao công nghệ và các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.
– Được hỗ trợ một phần kinh phí trong việc chuyển giao công nghệ các dự án, đề án hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất và các đơn vị có công nghệ ứng dụng; Hỗ trợ tối đa đến 50% chi phí chế tạo thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. |
Cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài theo các chương trình đào tạo của nhà nước.
Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực; Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được tài trợ, hỗ trợ từ các Quỹ về khoa học và công nghệ, đào tạo và các Quỹ khác; Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết để xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo hiện có tham gia vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ. |
Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được:
1. Ưu tiên tham gia vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. 2. Hỗ trợ một phần chi phí đăng ký thương hiệu, kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước và ngoài nước, kinh phí tiếp cận thông tin thị trường và phí dịch vụ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. |
Bộ Công thương thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị hiện có của Bộ Công Thương để thực hiện các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ chế tạo thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản trị sản xuất phù hợp tiêu chuẩn quốc tế; đào tạo nâng cao nhân lực quản lý kỹ thuật phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến thương mại; tổ chức hội chợ, triển lãm; xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động công nghiệp hỗ trợ.
Chính sách ưu đãi đối với công nghiệp hỗ trợ:
– Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển: Bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.
– Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành; được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước và được vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với mức lãi suất cho vay theo trần lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ.
Doanh thu của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được lựa chọn kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, theo năm, khai tạm tính theo quý.
Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cho hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường của Dự án.
Ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Ngoài các ưu đãi chung nêu trên, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển còn được hưởng các ưu đãi sau:
Tín dụng đầu tư |
Tiền thuê đất, mặt nước |
Được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định khi đáp ứng các điều kiện sau:
– Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi đã loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác; – Có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, sau khi trừ số vốn chủ sở hữu thu xếp cho các dự án khác; – Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác. |
– Được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai;
– Trường hợp Dự án có tính chất đặc biệt hoặc quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cần hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ quy định tại tiết trên thì Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
|
Ban hành kèm theo Nghị định là Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, bao gồm 7 loại sản phẩm của ngành dệt may; 7 loại sản phẩm của ngành da – giày; 9 loại sản phẩm của ngành điện tử; 16 loại sản phẩm của ngành sản xuất lắp ráp ô tô; 8 loại sản phẩm của ngành cơ khí chế tạo; 8 loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 và bãi bỏ Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 về việc ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan.
Các dự án đang sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tiếp tục được hưởng các ưu đãi hiện có và được hưởng các ưu đãi mới theo quy định tại Nghị định này (Mỹ Anh).