Ngành công nghiệp ô tô không chùn bước trước nhiều thách thức

Trong bối cảnh lộ trình giảm thuế nhập khẩu được thực hiện khi Việt Nam tham gia các cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do, sức ép cạnh tranh đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng ngày càng gay gắt. Do đó, ngoài hỗ trợ về thuế và phí còn cần nhiều giải pháp, chính sách đột phá để tạo cú huých cho ngành công nghiệp ô tô.

Thách thức cạnh tranh

Tọa đàm: “Công nghiệp ô tô Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại tự do: Phát triển theo hướng nào?”, do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 24/5.

Đánh giá khái quát thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay, TS Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian qua ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có sự phát triển nhất định, đặc biệt sau dịch Covid-19. Năm 2022 đã ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục, tuy nhiên năm 2023 và bước sang năm 2024, thị trường ô tô gặp khó với đà sụt giảm đang rất nhanh.

Nhận định về cơ hội thời gian tới khi thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), ông Lê Huy Khôi cho rằng, quá trình thực thi các FTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.

Với lộ trình giảm thuế, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận, nhập khẩu được sản phẩm dễ dàng và với chi phí thấp hơn, góp phần cắt giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên điều này tạo sức ép cạnh tranh xe nhập khẩu từ nước ngoài với thị trường trong nước.

Chia sẻ về sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong thời gian qua, ông Dương Bá Hải, Phó Trưởng phòng thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu-Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế mở, đã gia nhập 17 hiệp định song phương, đa phương, trong đó có những FTA thế hệ mới như CPTTP, EVFTA,… là những hiệp định quan trọng, giúp doanh nghiệp mở cửa thị trường, đa dạng hoá thị trường, trong đó có các doanh nghiệp ngành công nghiệp ô tô.

Để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, bảo hộ ngành công nghiệp ô tô trong nước trước bối cảnh các hàng rào thuế quan của xe ô tô nhập khẩu đang dần được cắt giảm theo các cam kết quốc tế của Việt Nam tại các FTA, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, trong đó ban hành Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô để sản xuất, lắp ráp xe ô tô áp dụng trong 5 năm (từ năm 2018 đến hết năm 2022). Chương trình này tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đảm bảo bám sát Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô có quy mô lớn và đủ năng lực sản xuất đã tham gia Chương trình ưu đãi thuế và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển nhanh, bền vững hơn.

 

CHIA SẺ TIN