Theo Bộ Công Thương, dung lượng thị trường và chênh lệch giá thành giữa ôtô sản xuất trong nước và ôtô nhập khẩu, chênh lệch chi phí sản xuất là hai điểm nghẽn lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô.
Một chiếc nắp bình xăng nhỏ bé cũng phải nhập khẩu. Trong khi đó, để hoàn thiện một chiếc ôtô cần tới hàng chục nghìn linh kiện. Cho dù đã có hàng loạt cơ chế chính sách được đưa ra để tháo gỡ, nhưng thực tế ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô vẫn tiếp tục “giấc mơ” nội địa hóa.
Phụ thuộc tới 80% linh kiện nhập khẩu
Theo Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Lê Dương Quang, gần 30 năm qua, hàng loạt cơ chế, chính sách cho ngành công nghiệp ôtô nói chung và công nghiệp hỗ trợ ôtô nói riêng đã được ban hành, song do thiếu tính khả thi nên hiệu quả triển khai trên thực tế rất thấp.
Đến nay, có tới 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước là nhập khẩu, 20% còn lại sản xuất trong nước nhưng chủ yếu vẫn là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn như ghế, săm, lốp, ắc quy, bộ dây điện, nhựa cỡ lớn…
Điều này đã khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn từ 10- 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.
Dẫn chứng cho câu chuyện này, Toyota Việt Nam đưa ra ví dụ chiếc nắp bình xăng, bộ phận rất nhỏ trong số 30.000 linh kiện khác nhau để sản xuất ra một chiếc ôtô. Đó là chi phí sản xuất và bán ra ở Thái Lan chỉ 1,5 USD, thì tại Việt Nam là 3,8 USD và sau nhiều lần tiết giảm, sản phẩm này vẫn có giá 2,5 USD. Với giá này, chắc chắn các doanh nghiệp lắp ráp ôtô sẽ phải nhập khẩu.
Không chỉ vậy, lĩnh vực sản xuất ôtô còn phụ thuộc lớn vào các loại chip bán dẫn. Trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn, kéo theo đó là có khoảng 1.400 loại chip trên xe.
Trong khi đó, hiện nay chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất được đầy đủ một con chip mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Cũng có chuyên gia cho rằng, chi phí để đầu nhà máy sản xuất chip rất tốn kém, lên tới hàng chục tỷ USD. Chính vì vậy, trên thế giới có rất ít hãng có thể sản xuất được chip như Intel, Samsung…
Ở Việt Nam cũng đã có những ý tưởng về đầu tư xây dựng công nghiệp sản xuất chip nhằm góp phần chủ động nguồn cung cho các doanh nghiệp, nhưng với những khó khăn hiện nay thì điều này là rất khó.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô thời gian qua không phát triển được là do quy mô thị trường ôtô Việt Nam nhỏ bé, so với Thái lan mới chỉ bằng 1/3 và so với Indonesia bằng 1/4.
Quy mô thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều mẫu mã khác nhau khiến cho các công ty sản xuất (cả sản xuất, lắp ráp ôtô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt. Chính vì thế, khả năng để nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ ôtô rất khó.
Thời gian gần đây, để chủ động nguồn linh kiện, gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước theo chủ trương của Chính phủ, một số doanh nghiệp lớn trong nước đã chủ động đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ ôtô.
Điển hình như THACO AUTO đầu tư Khu công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng lớn nhất Việt Nam tại Quảng Nam với 12 nhà máy để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, xuất khẩu ôtô và linh kiện phụ tùng.
Cùng với THACO AUTO, Tập đoàn Thành Công cũng đã đầu tư xây dựng Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công Việt Hưng tại Quảng Ninh.
Đây sẽ là nơi quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ sản xuất phụ tùng và linh kiện có hàm lượng công nghệ cao, không chỉ phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Thành Công, mà còn hướng tới xuất khẩu.
Xem xét lại các chính sách hỗ trợ
Chuyên gia Vĩnh Nam hoạt động lâu năm trong ngành ô tô cho biết, rất nhiều chi tiết linh kiện điện tử hiện nay đang được gia công tại Việt Nam và được đóng dấu ‘Made in Vietnam” trên linh kiện của nhiều hãng ôtô nổi tiếng thế giới. Các đơn vị này sản xuất cũng như gia công lại cho đối tác nước ngoài.
“Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được chip cho ôtô nếu như được hưởng các chính sách và tạo điều kiện như Samsung, LG, Apple đang được hưởng tại Việt Nam,” ông Nam nhấn mạnh.
Do đó, đã đến lúc Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần xem lại các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô cũng như ngành công nghiệp sản xuất chip và tạo hành lang pháp lý cùng các chính sách tốt để các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất hoặc liên doanh với các đối tác nước ngoài để tạo ra một dãy các sản phẩm “Made in Vietnam.”
Chuyên gia Vĩnh Nam cũng hy vọng: “VinFast ngoài sản xuất ôtô cũng có thể đầu tư sản xuất chip cho VinFast cũng như xuất khẩu cho các hãng ôtô của nước ngoài. Việc này VinFast hay FPT, Viettel… có thể làm được vì đội ngũ nhân sự kỹ thuật cao của họ rất giỏi.”
Theo nhận định của giới chuyên môn, việc thiếu hụt nguồn cung chip trên toàn cầu có thể đến cuối năm nay hoặc nửa đầu năm 2022 sẽ dần trở lại ổn định. Vấn đề cốt lõi của công nghiệp hỗ trợ ôtô Việt Nam vẫn là dung lượng thị trường để kích thích sản xuất lắp ráp xe cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất linh kiện, phụ tùng.
Về điều này, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, dung lượng thị trường và chênh lệch giá thành giữa ôtô sản xuất trong nước và ôtô nhập khẩu cũng như chênh lệch chi phí sản xuất với các quốc gia trong khu vực đang là hai điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
Khi giải quyết được 2 điểm nghẽn này, ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Để khắc phục các điểm nghẽn trên, Bộ Công Thương đề xuất quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ôtô của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn như thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, có các biện pháp hợp lý bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại; đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước trong vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Về giải pháp tháo gỡ vướng mắc về chênh lệch chi phí sản xuất giữa ôtô trong nước và ôtô nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô.
Đồng thời, tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí lắp ráp ôtô trong nước.
Bên cạnh đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng áp dụng chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt cho ôtô kèm theo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao sản lượng sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước./.