Công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) một bộ phận của khu vực công nghiệp – xây dựng, là những ngành tham gia vào việc biến đổi hàng hoá, nguyên liệu hoặc các chất liệu khác nhau thành những sản phẩm mới. Đó là những hoạt động kinh tế với quy mô sản xuất lớn, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của tiến bộ công nghệ, khoa học và kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển.
Khác với các phân ngành công nghiệp khác, công nghiệp CBCT là ngành trực tiếp tạo ra nền tảng vật chất cho nền kinh tế và xã hội, sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho quốc gia; và cũng là ngành có mối liên hệ, gắn kết chặt chẽ, mật thiết nhất với hai khu vực kinh tế còn lại là nông nghiệp và dịch vụ. Mặt khác, phát triển công nghiệp CBCT lớn mạnh cũng là tạo nền tảng vững chắc và phát triển thị trường cho các ngành dịch vụ và nông nghiệp và ngược lại, phát triển hiệu quả các ngành nông nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất chính là góp phần tạo nguồn cung ứng và nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của các ngành.
Vai trò quan trọng
Ngành công nghiệp CBCT có vai trò quan trọng trọng phát triển kinh tế, xã hội. Đó là một bộ phận của ngành công nghiệp và là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân. Trong các phân ngành công nghiệp, công nghiệp CBCT đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Quy mô, tốc độ phát triển của ngành ảnh hưởng tới quy mô, chiều hướng và tốc độ phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời, cơ cấu của ngành công nghiệp CBCT có ảnh hưởng lớn tới cơ cấu chung kinh tế của một quốc gia; đóng góp tích cực vào tốc độ tăng GDP. Đó cũng là một ngành cung cấp việc làm, thu hút nhân công, giải quyết được một số vấn đề xã hội… Trong những năm qua, một số ngành CBCT như dệt, may mặc, giày da, trang phục, chế biến nông sản… phát triển mạnh một phần chính là nhờ khả năng thu hút nhiều lao động của các ngành đó.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa lấy công nghiệp CBCT làm trọng tâm. Theo đó, cần tập trung thêm nguồn lực xã hội vào việc xây dựng và nâng cao năng lực, năng suất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp mạnh, các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước (bao gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ trên toàn chuỗi), có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp trong nước có thể lớn mạnh, tạo ra giá trị gia tăng trong nước lớn hơn, kết nối được với khu vực đầu tư nước ngoài, và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.