Nâng cao vai trò của Nhà nước trong phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam

Xuất phát từ nhận định cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam những năm qua chưa thực sự thành công như mong đợi, nghiên cứu được tiến hành với mục đích tìm hiểu nguyên nhân dưới góc độ quản lý nhà nước. Đồng thời, kết quả nghiên cứu thu được khá tương đồng so với nhiều nghiên cứu trước. Bài viết này đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của Nhà nước trong phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới.

Vai trò của Nhà nước trong phát triển ngành sản xuất công nghiệp

Ở bất kỳ quốc gia nào, Nhà nước đều đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và các ngành sản xuất công nghiệp nói riêng. Nhà nước đưa ra định hướng phát triển, hướng tới các mục tiêu được cả xã hội mong đợi; đồng thời, bảo đảm điều kiện cho doanh nghiệp và các tổ chức thực hiện với mục tiêu là ưu tiên hàng đầu cho phát triển kinh tế, trong đó có ngành sản xuất công nghiệp thể hiện qua một số điểm sau:

Thứ nhất, Nhà nước thiết kế và thực thi các mục tiêu phát triển quốc gia theo thể chế nhằm đạt được sự phát triển về kinh tế – xã hội mà lợi ích chính đáng gồm Nhà nước – doanh nghiệp – người dân đều được bảo đảm và tôn trọng3. Đối với các ngành sản xuất công nghiệp, Nhà nước khẳng định tính dẫn dắt, định hướng, tránh sai đường, chệch hướng trong đường hướng phát triển, vì vậy, cần có thể chế phù hợp khuyến khích phát triển ba lĩnh vực chủ yếu: thể chế chính trị – xã hội – kinh tế.

Thứ hai, Nhà nước tập trung nâng cao năng lực con người bằng cách đầu tư vào giáo dục, chăm sóc về sức khỏe, nhà ở và cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội nhằm bảo đảm công bằng xã hội. Phát triển con người và xã hội được coi vừa là mục tiêu, vừa là động lực và là phương tiện của phát triển. Đồng thời, xây dựng hệ thống các nguồn lực xã hội tập trung đầu tư cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp, có thể là chi tiêu công, thuế, tín dụng, thương quyền… Ngoài ra, một điều kiện không thể thiếu, đó là phải ổn định kinh tế vĩ mô, vì thiếu sự ổn định kinh tế vĩ mô thì không doanh nghiệp hay ngành công nghiệp nào phát triển bền vững.

Thứ ba, Nhà nước là chủ thể chính trong việc xây dựng và thực thi các chiến lược dành cho nghiên cứu khoa học – công nghệ trong các ngành công nghiệp, chỉ có Nhà nước mới có đủ nguồn lực để thực thi chiến lược phát triển này. Vì vậy, những chiến lược này, cần được thực thi có hiệu quả đối với sản xuất – kinh doanh, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước còn đóng vai trò chủ động định hướng, lập kế hoạch thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đây là vai trò mà các tổ chức, doanh nghiệp không thể thực hiện được nếu không có sự hiện diện sâu rộng của Nhà nước hoặc ít nhất là với vai trò là bảo lãnh.

Thứ tư, Nhà nước chủ động định hướng, can thiệp hay thúc đẩy thị trường nói riêng và cả xã hội nói chung thông qua các chiến lược phát triển và các chính sách được cụ thể hóa cho từng chiến lược trong từng ngành, lĩnh vực thông qua việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực quốc gia một cách hiệu quả; tập trung vào các mục tiêu ưu tiên, tạo động lực cho sự phát triển chung của quốc gia. Nhà nước trực tiếp đề ra kế hoạch phát triển công nghiệp với những tham vọng lớn, bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, khả thi; đồng thời, có quyết sách mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, nguồn lực và kết hợp với các khuyến khích khác có liên quan để thúc đẩy công nghiệp phát triển.

Thứ năm, Nhà nước đóng vai trò tạo sự cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong nền kinh tế hay xã hội nói chung và trong các ngành công nghiệp nói riêng đều phải vươn lên cạnh tranh về chất lượng và giá thành sản phẩm. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống chính trị là tài giỏi hơn và đạo đức hơn, trong đời sống kinh tế là chất lượng hơn và giá rẻ hơn; đồng thời, thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát gắt gao những doanh nghiệp còn chiếm giữ vị thế độc quyền là rất quan trọng. Vị trí độc quyền không chỉ dẫn đến lạm quyền mà còn làm cho hoạt động kinh tế kém hiệu quả và xã hội kém năng động.

CHIA SẺ TIN