Triển lãm Vimexpo 2020 sẽ mở cửa từ 8h30 đến 17h30 trong 3 ngày từ 9 đến 11/12, dự kiến thu hút 15.000 khách tham quan.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ được ví như là điểm mấu chốt, nền tảng và động lực hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Xác định công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quyết định chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, kỹ năng lao động, sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Từ ngày 9 đến 11/12, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) sẽ chủ trì và phối hợp với Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Vietnam tổ chức Triển lãm quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam (Vimexpo 2020) tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội. Đây sẽ là triển lãm quốc tế đầu tiên về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại Việt Nam, thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng. Ảnh: Cục Công nghiệp.
Triển lãm Vimexpo 2020 mở ra trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang tìm hướng đi mới, nỗ lực thay đổi tư duy quản trị, mạnh dạn đầu tư, nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh và định hướng lại mục tiêu để tạo sản phẩm thiết thực có giá trị thực tiễn. Vì vậy chương trình thu hút đông đảo các hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam và quốc tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Nhiều đơn vị đăng ký tham gia chương trình như Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, HH Điện tử, Worldbank, HH Cao Su, HH Da Giầy… Các doanh nghiệp đại diên nhóm ngành ôtô – phụ tùng gồm Tập đoàn Thaco, Toyota, Honda, Huyndai Thành Công, Kokwang, Sunshine… Nhóm ngành điện tử – công nghệ cao có sự góp mặt của Sam Sung Việt Nam, Canon, ABB, Temas, 3D Solutions, Asin, UVC Tech, Ema, Nam Sơn…. Nhóm ngành cơ khí có Tinh Hà, Kimsen, JK Việt Nam, Nhựa Hà Nội, Kyoyo, Deli, Fine Mold, Sin Dai, Jat, Trí Cường…
Theo ban tổ chức, Vimexpo 2020 sẽ làm vai trò kết nối giữa các nhà sản xuất, đồng thời tạo cơ hội và môi trường để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối. Sự kiện sẽ tăng cường liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, từ đó tìm hiểu, tương tác trực tiếp và kết nối cung cầu B2B, hình thành mạng lưới công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam phát triển.
Song hành với sự kiện triển lãm, Cục Công nghiệp cũng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện tổ chức quốc tế, hiệp hội chuyên ngành tổ chức chuỗi sự kiện bên lề . Trong đó, “Hội nghị kết nối doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ và Thông tin về Vimexpo 2020” dự kiến tổ chức vào ngày 25/11 tại Hà Nội.
Trong các ngày diễn ra triển lãm, nhiều hội thảo và diễn đàn chuyên ngành với nội dung xoay quanh chủ đề: tiềm năng và cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; thách thức khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…
Ngày 10/12, chương trình “Cơ hội giao thương – kết nối doanh nghiệp – mở rộng thị trường” sẽ mang đến hoạt động kết nối trực tiếp giữa nhà đầu tư sản xuất công nghiệp đầu cuối và nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ hàng đầu tại Việt Nam. Ban tổ chức sẽ trực tiếp mời doanh nghiệp, đối tác hoạt động trong lĩnh vực liên quan, có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm mới, mở rộng thị trường tham dự chương trình.
Tâm Anh