Ngày 04/02/2020, tại Hải Dương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển và Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam Choi Joo Ho đã ký kết Biên bản ghi nhớ Dự án hợp tác tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) giữa Bộ Công Thương, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đến chứng kiến và phát biểu chúc mừng buổi Lễ.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, Chương trình tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ do tỉnh Hải Dương, Bộ Công Thương phối hợp thực hiện với sự hỗ trợ của Samsung Việt Nam được kỳ vọng sẽ đem lại kết quả cao. Theo Phó Thủ tướng, để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu trong Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ nêu trên, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỉnh Hải Dương và Samsung Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, giúp ngành công nghiệp hỗ trợ đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, phát triển CNHT có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh kinh tế Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển CNHT, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy phát triển CNHT. Các chính sách hỗ trợ phát triển và chính sách ưu đãi đối với CNHT ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Mặc dù vậy, Bộ trưởng thẳng thắn, cũng phải nhìn nhận thực tế khách quan hiện nay, trình độ của doanh nghiệp CNHT trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi sản xuất trong nước và thế giới. Phần lớn doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa hay siêu nhỏ, trình độ hạn chế về nhiều mặt. Để rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất toàn cầu, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ quyết liệt, đồng bộ và dài hạn của Nhà nước. Vai trò của các địa phương trong việc xây dựng chính sách, chương trình phát triển Công nghiệp Chế biến, chế tạo, trong đó, đặc biệt là ngành Công nghiệp hỗ trợ là rất quan trọng và cần thiết.
Năm 2018 – 2019, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Samsung Việt Nam triển khai Dự án hợp tác đào tạo Tư vấn viên Việt Nam về cải tiến sản xuất và chất lượng. Một số học viên trong khóa đào tạo đã tham gia có hiệu quả thực hiện Đề án “Tổ chức cải tiến sản xuất chất lượng cho doanh nghiệp chế biến chế tạo, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ năm 2019 của Bộ Công Thương.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng tin tưởng rằng, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Samsung Hàn Quốc và hướng dẫn của đội ngũ tư vấn viên trên, các doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Hải Dươngđược lựa chọn tham gia vào Dự án này sẽ đạt được những kết quả tích cực như: tăng năng suất, thay đổi và nâng cao nhận thức về cải tiến sản xuất và chất lượng, tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp.Tôi đánh giá cao việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã có các hoạt động nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam nói chung và Công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Hải Dương nói riêng.
Năm 2020, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với một số địa phương có tiềm năng về phát triển công nghiệp để xây dựng chính sách và triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp tại địa phương, trong đó có chú trọng ngành Công nghiệp hỗ trợ. Việc tỉnh Hải Dương chủ động phối hợp cùng Samsung Việt Nam – một Tập đoàn đa quốc gia và Bộ Công Thương triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ là mô hình tốt cần nhân rộng trên địa bàn cả nước. Thông qua hiệu quả hoạt động của chương trình, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy ngành Chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đó, các địa phương cần phải đầu tư nguồn lực nhằm phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ đang nỗ lực hành động để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế.