Thứ nhất, về tổng thể, phải tiếp tục duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo động lực tăng trưởng; điều hành tỷ giá phù hợp, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng; khơi thông dòng vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh;
Thứ hai, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Tích cực rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm…
Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả; tận dụng môi trường thương mại số đã được hình thành trong thời gian qua, tích cực triển khai đồng bộ và hoàn thiện hệ thống lưu thông giữa các nhà sản xuất, thương mại và tiêu dùng nhằm đẩy nhanh hoạt động tiêu thụ cũng như kiểm soát tốt hoạt động kinh tế.
Thứ tư, bản thân các doanh nghiệp cần bám sát thị trường mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất – tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần chú trọng thực hiện một số giải pháp có tính lâu dài, như: Nâng cao năng lực cạnh tranh: Đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, phát triển thương hiệu. Phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo, thu hút và giữ chân nhân tài, nâng cao kỹ năng cho người lao động, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu. Sản xuất xanh và bền vững: Áp dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tái chế và xử lý chất thải. Thúc đẩy chuyển đổi số: Đầu tư vào công nghệ số, tự động hóa, robot, AI, IoT, Big Data, xây dựng nhà máy thông minh. Tăng cường liên kết chuỗi cung ứng: Xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác với các đối tác tin cậy.
Thứ năm, đối với chính quyền địa phương:
– Trước hết, cần nâng cao hơn nữa vai trò chủ động trong việc trực tiếp sử dụng các nguồn lực của nhà nước cho phát triển kinh tế; trong đó tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp CBCT nói riêng. Vì trong thực tế, hầu hết các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp CBCT thuộc thành phần kinh tế tư nhân, trong đó có khoảng 98% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hoạt động gắn chặt với địa phương. Do đó, chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp, thông qua việc tạo lập và cải cách môi trường kinh doanh trên địa bàn cũng như trực tiếp thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (như các hỗ trợ về vốn, tài chính, thị trường…).
– Tiếp đến, thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cũng như ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù (tiền thuê đất, xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường…) của địa phương, chính quyền địa phương trực tiếp phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó có công nghiệp. Đây là công việc hết sức quan trọng trong việc thu hút đầu tư các dự án công nghiệp để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trên địa bàn.
– Quan tâm tới việc đào tạo và cơ cấu hợp lý nguồn lao động ở địa phương (đặc biệt là lao động có tay nghề cho các ngành công nghiệp) là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể đẩy mạnh thu hút đầu tư và qua đó thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp trên địa bàn. Đây cũng là trách nhiệm lớn của địa phương.
– Thông qua việc thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn, chính quyền địa phương đóng vai trò dẫn dắt, liên kết để phát triển kinh tế vùng – đặc biệt là vai trò của các địa phương lớn trong các vùng kinh tế trọng điểm tại ba miền Bắc, Trung, Nam – nhằm phân bổ hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước, phát huy lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp trên toàn lãnh thổ./.