Giá tấm quang điện tăng cao bất chấp dịch Covid- 19

Theo các doanh nghiệp (DN), giá tấm quang điện (hay còn gọi là pin năng lượng mặt trời) đã không ngừng tăng mạnh từ đầu năm đến nay, nguyên nhân do thiếu hụt nguồn nguyên liệu cũng như giá nguyên liệu đầu vào.

Ghi nhận từ các DN trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, hơn 80% giá của tấm quang điện phụ thuộc rất nhiều dựa trên chi phí vật liệu thô, bao gồm polysilicon, kính PV, EVA, bạc, aluminum…Trong đó, giá polysilicon tiếp tục tăng từ tháng 3/2021 và tăng thêm khoảng 10% so với quý 4/2020, mặc dù các nhà máy sản xuất vẫn hoạt động hết 100% công suất.

Tại thị trường Trung Quốc, nơi cung cấp phần lớn pin năng lượng mặt trời cho thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam, giá polysilicon đơn tinh thể trong tuần thứ 2 của tháng 5/2021 đã ở mức 170 – 180 RMB (nhân dân tệ)/kg. Tại thị trường nước ngoài, giá polysilicon đơn tinh thể tăng nhanh ở mức mức 21 – 22 USD/kg; thậm chí một số nguyên liệu polysilicon được giao dịch ở mức 24 USD/kg. Giá polysilicon liên tục phá kỷ lục mỗi tuần mặc dù nhu cầu của người dùng cuối thấp, dẫn đến xu hướng giá sẽ khó đoán hơn từ nay đến hết năm 2021.

Tương tự, giá của kính PV 3,2mm và 2,0mm trên thị trường cũng đã tăng lần lượt 43% và 46% trong quý 4/2020 và trong năm 2021 chi phí kính PV tiếp tục ở mức cao. Hầu như giá của tất cả các nguyên liệu đều dịch chuyển theo chiều hướng tăng, ảnh hưởng lớn đến giá tấm quang điện trong thời gian tới.

Đại dịch Covid- 19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam, do đó việc kiểm soát quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa trở nên nghiêm ngặt hơn, làm chậm lại chuỗi cung ứng hàng hóa, kéo dài thời gian thông quan, thiếu hụt container vận chuyển và chi phí logistics tăng phi mã cũng góp phần đội thêm giá cho những tấm quang điện.

Đại diện một DN chuyên phân phối thiết bị và lắp đặt hệ thống điện mặt trời ở Đồng Nai cho biết, hiện tại các nhà sản xuất tấm quang điện đang phải chịu nhiều áp lực lớn về vốn, chi phí nguyên vật liệu sản xuất, trong khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu tiếp tục tăng cao. Các tập đoàn, thương hiệu lớn dự kiến sẽ còn tăng giá tấm quang điện hơn 9% và dự báo giá sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến hết năm năm 2021.

Ông Trần Quốc Việt – Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ môi trường Nhật Hưng (TP. Thủ Đức), chuyên phân phối tấm quang điện và pin lưu trữ điện hiệu Lithium – cho rằng, mặc dù dịch Covid -19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp nhưng giá tấm quang điện vẫn tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân do giá đầu vào của nguyên liệu như sắt thép, nhôm, kính cường lực đã tăng 20 – 30%, riêng tế bào quang điện tăng 6 – 10% so với hồi năm ngoái và dự kiến qua tháng 6/2021 sẽ còn tăng khoảng 9 – 10% so với hiện tại.

Theo ông Việt, các gói đầu tư năng lượng mặt trời hộ gia đình vẫn tiếp tục được nhiều nhà đầu tư lắp đặt nhưng khi tấm quang điện tăng giá, quy mô công suất đã giảm 1/3 hoặc một nửa so với trước đây, riêng gói đầu tư lắp trên công xưởng, nhà máy chỉ dừng lại ở mức phát điện đủ để dùng.


Ông Tiêu Văn Đạt – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kỹ Thuật Đạt (DAT) – cho biết, để không gặp phải tình trạng cầu vượt cung và giá tấm quang điện tăng phi mã, khách hàng, nhà đầu tư nên có kế hoạch đặt hàng sớm để có được mức giá tốt. Để ổn định kinh doanh, DAT Solar hiện đã chuẩn bị nguồn hàng tấm quang điện, inverter tại các kho hàng ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cần Thơ và đảm bảo cung cấp đủ số lượng khi khách hàng có yêu cầu triển khai dự án.Trước bối cảnh khan hiếm và giá tấm quang điện tăng cao, nhiều DN duy trì hoạt động, giữ chân khách hàng bằng hình thức tăng nguồn cung và áp dụng giá bán cạnh tranh có lợi cho nhà đầu tư.

“ DAT Solar đang đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác quốc tế trong ngành năng lượng tái tạo như Canadian Solar, Sungrow, SMA, INVT. Vì thế, chúng tôi sẽ cung cấp cho khách những sản phẩm chất lượng, công nghệ tiên tiến, đầy đủ CO, CQ từ phía nhà sản xuất và áp dụng chính sách bảo hành chính hãng tại Việt Nam”, ông Đạt chia sẻ thêm.

Tại khu vực miền Nam, mặc dù chưa có giá FIT, giá tấm quang điện tăng cao và tình hình dịch Covid- 19 đang diễn biến phức tạp nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để sử dụng. Ông Nguyễn Quốc Hoàn, ngụ tại phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh vừa đầu tư 280 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để cấp điện cho một khách sạn và sinh hoạt gia đình. Ông Hoàn cho biết, dù giá tấm quang điện hiện nay tăng cao so với trước đây nhưng vẫn quyết định đầu tư vì biết đâu sắp tới tới giá mặt hàng này còn có thể tăng thêm.

Nguồn: Báo Công Thương

CHIA SẺ TIN