Mỗi năm, Việt Nam cần nhập khẩu một lượng máy móc thiết bị phục vụ phát triển kinh tế trị giá khoảng 7-8 tỷ USD. Nếu ngành Cơ khí phát triển, dành thị phần này thì doanh thu rất lớn. Đó là chưa kể sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Theo kế hoạch phát triển ngành Cơ khí trọng điểm từ nay đến năm 2010, Việt Nam phải đáp ứng tối thiểu 45%-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước và xuất khẩu 30% giá trị sản lượng, doanh số đạt bình quân từ 3,5-4 tỷ USD. Mục tiêu của Chương trình cơ khí trọng điểm đến năm 2010 và tầm nhìn tới 2020 là, tập trung vào 8 nhóm chuyên ngành Cơ khí lớn như máy động lực, máy kéo và máy nông nghiêp, máy công cụ, thiết bị toàn bộ, cơ khí xây dựng, cơ khí tàu thuỷ, cơ khí ôtô và cơ khí giao thông vận tải, thiết bị điện…
Từ khi Chương trình cơ khí được triển khai, đến nay, ngành Cơ khí trọng điểm đã có sự phát triển đáng kể như cơ khí đóng tàu đã gia công đóng tàu từ 53.000-100.000 tấn…; cơ khí ôtô đóng được xe buýt, xe tải nhẹ, xe tải nặng và lắp ráp xe hơi 4 chỗ cao cấp; ngành Cơ khí chế tạo máy công cụ đã số hoá được các máy tiện vạn năng cỡ vừa và lớn, sản xuất các máy cắt thép theo chương trình tự động; ngành Cơ khí phục vụ nông nghiệp đã sản xuất được nhiều thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm…
Thực tế cho thấy, ngành Cơ khí đang phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, trong đó nhiều doanh nghiệp tư nhân đang nổi lên như là các nhân tố tích cực. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu hướng tới đầu tư vốn cho sản xuất và nội địa hoá các sản phẩm phụ trợ.
Tuy nhiên, ngành Cơ khí ở nước ta hiện nay chưa được đầu tư đúng mức để hướng đến một sản phẩm mang thương hiệu riêng, chủ yếu là gia công những công đoạn thông thường. Cụ thể, hai lĩnh vực đóng tàu và ôtô tuy đạt mức tăng trưởng cao nhưng chỉ dừng lại ở khâu đóng khung và các phần nội thất đơn giản. Còn các máy móc và những thiết bị phức tạp đều phải nhập ngoại.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), sản phẩm cơ khí nước ta hiện nay chủ yếu là hàng gia công, giá trị kinh tế thấp, công nghệ, thiết bị lạc hậu, chưa hình thành một số ngành mũi nhọn đủ sức chế tạo dây chuyền thiết bị đồng bộ. Phần lớn thiết bị, máy móc, nguyên liệu phải nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ yếu kém….
Các chuyên gia trong Ngành đã không ngần ngại nhận định, lực lượng nghiên cứu phát triển, từ tư vấn, thiết kế công nghệ và thiết kế chế tạo, đến các chuyên gia đầu ngành với vai trò công trình sư, tổng công trình sư và lực lượng công nhân lành nghề còn thiếu và yếu về năng lực. Chất lượng đào tạo kỹ sư cơ khí chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, nguồn vốn cho đầu tư phát triển thiếu, chưa có chiến lược thị trường, sản phẩm, trình độ quản trị doanh nghiệp thấp. Quản lý thị trường yếu kém để hàng cơ khí chất lượng thấp, giá rẻ tràn vào thị trường trong nước, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cho các doanh nghiệp làm sản phẩm cơ khí chính xác. Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, các hàng rào bảo hộ bị bãi bỏ thì ngành Cơ khí sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tình hình trên sớm được cải thiện thì trong tương lai Việt Nam vẫn mãi là “người làm thuê cơ khí” cho các nước đầu tư trực tiếp hoặc chỉ dừng lại ở vai trò là một nước chuyên gia công cơ khí cho thế giới.
Ngành Cơ khí Việt Nam nếu muốn phát triển nhanh, vững chắc cần có sự ưu tiên đầu tư và bảo hộ của Nhà nước, tránh sự đầu tư dàn trải không đem lại hiệu quả chung cho toàn ngành. Các doanh nghiệp cần được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư để phát triển một số lĩnh vực như sản xuất động cơ đốt trong cho ôtô, xe máy, tàu sông/biển hoặc sản xuất các chi tiết, cụm cho lắp ráp ôtô xe máy. Tuy nhiên, hiện tại do thủ tục kéo dài, thời gian xét duyệt khoảng 1 năm nên Chính phủ cần cải tiến các thủ tục phê duyệt, giúp doanh nghiệp có thể nhanh chóng đầu tư, nắm bắt được cơ hội kinh doanh.
Bên cạnh đó, Doanh nghiệp sản xuát cơ khí cần có mục tiêu phấn đấu xây dnựg khả năng cạnh tranh sản phẩm của mình ở thị trường trong và ngoài nước, có thể phát triển đa ngành nhưng cần đảm bảo yếu tốt “nhất nghệ tinh” theo khu vực ASEAN. Đặc biệt, nếu sản phẩm của doanh nghiệp có sức cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc thì sản phẩm đó đã có sức cạnh tranh khác cao, có thể tạm yên tâm khi hội nhập ASEAN. Đồng thời cũng có nhiều ý kiến nhất trí rằng ngành Cơ khí cần tranh thủ các cơ hội phát triển, trước hết là các cơ hội trong khu vực khi hội nhập đầy đủ trong ASEAN…Riêng đối với các dự án cơ khí mới có độ phức tạp cao hay sản phẩm siêu trường, siêu trọng, đòi hỏi phải đầu tư dây chuyền thiết bị và công nghệ hiện đại. Các dự án này có thời gian thu hồi vốn dài, tỷ suất lợi nhuận không cao, nên cần được hỗ trợ ưu đãi đặc biệt khi Việt Nam đã là thành viên WTO. Tuy nhiên, ngành Cơ khí vẫn cần hỗ trợ trong việc mua bản quyền, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thiết kế chế tạo, đào tạo… Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ đang nghiên cứu và đề xuất những chính sách mới hỗ trợ cho ngành này phù hợp với các quy định cam kết với WTO.