VIMEXPO 2022: Kết nối cùng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Triển lãm Quốc tế lần thứ 3 về Công nghiệp Hỗ trợ & Chế biến Chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2022 sẽ diễn ra từ ngày 16 – 18/11/2022 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hanoi.

Đứng trước tình hình kinh tế, chính trị đầy biến động của năm 2022, ngành Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các FDI có xu hướng dịch chuyển vốn và công nghệ sản xuất sang các nền kinh tế mới nổi và ổn định như Việt Nam. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam cần khắc phục các khó khăn từ: chính sách chậm, chưa theo kịp xu thế công nghệ; thiếu nguồn lực về lao động lành nghề; những rủi ro về biến đổi khí hậu, chiến tranh, khan hiếm nguyên liệu, dịch bệnh…

Đó là bài toán chung của ngành, đồng thời cũng là đề mục quan trọng của VIMEXPO 2022 sắp tới. Triển lãm hứa hẹn sẽ “Kết nối cùng phát triển”, giúp các doanh nghiệp về công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam từng bước nâng cao vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Tiếp nối thành công của 2 lần tổ chức trước, VIMEXPO 2022 sẽ quay trở lại từ ngày 16 -18/11/2022 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hanoi, với quy mô gần 300 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp trong nước và quốc tế thuộc 4 nhóm lĩnh vực chính: Cơ khí Chế tạo, Sản xuất Lắp ráp Ô tô, Công nghiệp Công nghệ cao, cùng Điện tử và các nhóm ngành liên quan; dự kiến thu hút khoảng 12.000 khách đến tham quan và làm việc trực tiếp.

Theo các báo cáo đầu tư, nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tăng trưởng trở lại và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm dự kiến thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế bằng cách tạo ra các thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam, tạo nền tảng mang tính ràng buộc pháp lý để mở rộng thương mại.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: “Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế Việt Nam, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Ngành điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp với số lượng lao động trên 1 triệu người”.

Bà Trần Thị Hồng Liên, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) chỉ ra rằng: Công nghiệp hỗ trợ hiện vẫn thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI. Kỹ năng của người lao động còn thấp, cần phải được đào tạo mới để tham gia các công việc có giá trị gia tăng cao hơn. Sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với các hóa chất; thị lực bị giảm, tăng nguy cơ các bệnh về mắt khi phải nhìn liên tục các chi tiết nhỏ…

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ – Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, hiện nay các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các nhà lập pháp trên khắp thế giới ngày càng đặt yêu cầu cao hơn đối với nhiệm vụ thúc đẩy việc làm bền vững trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khi các rào cản từ đại dịch Covid-19 dần được xóa bỏ và nhu cầu giao thương, phục hồi sản xuất ngày càng gia tăng thì cần có những cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận, học hỏi các xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ các đối tác tiềm năng đến từ khắp nơi trên thế giới. VIMEXPO, qua 2 lần tổ chức, đã được các doanh nghiệp đánh giá là chương trình chuyên ngành hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo; khẳng định vai trò là đòn bẩy, cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam.

Theo chia sẻ từ Ban tổ chức, Triển lãm VIMEXPO 2022 đến nay đã nhận sự quan tâm, ủng hộ và tham gia của các Hiệp hội, các tổ chức, các doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo như: Thaco, Veam, Weichai, Samsung, Hyundai, Toshiba, Hanoi Plastic, Jica, Kyoyo, Tecotec, Intech…

Trong các ngày diễn ra Triển lãm, ngoài các hoạt động trưng bày và giới thiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước, VIMEXPO 2022 sẽ tổ chức một chuỗi các hoạt động phối hợp như Hội thảo chuyên ngành, Chương trình Kết nối giao thương B2B và Trình diễn giới thiệu sản phẩm… Tại đây, các doanh nghiệp tham gia sẽ có cơ hội tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng, nhà mua hàng mới, được gặp gỡ, tiếp xúc và kết nối giao thương với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, tăng khả năng tiếp cận trao đổi với các đối tác, tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cung ứng, tạo điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các hoạt động xúc tiến được chủ trì bởi Bộ Công Thương, Cục công nghiệp, Cục Xúc tiến Thương mại, các Cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các Tổ chức Quốc tế, và các Hiệp hội chuyên ngành, sẵn sàng đối thoại cùng doanh nghiệp giúp xây dựng các chủ trương chính sách mới.

CHIA SẺ TIN