Công nghiệp phụ trợ: Liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước còn rời rạc

Doanh nghiệp cần tập trung nâng cao cả về chất lượng và số lượng các nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 trong nước để gia tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng, chế biến chế tạo; từ đó nâng cao nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp trong nước.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện ở vốn FDI vào ngành thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký trong giai đoạn 2011-2020. Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương, nhiều tổ chức đã có sự hỗ trợ cho ngành chế biến chế tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong đánh giá mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu rõ, nhờ khả năng cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng từng bước nâng cao trình độ, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, góp phần tăng giá trị gia tăng.

cong nghiep phu tro lien ket doanh nghiep trong va ngoai nuoc con roi rac hinh anh 1Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo.

Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật; săm lốp các loại… Các sản phẩm này đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Đáng chú ý, theo Cục Công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như: Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát… điều này đã tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhắc tới thành công rõ nét của ngành công nghiệp hỗ trợ thời gian qua, đại diện Cục Công nghiệp dẫn chứng câu chuyện nhìn từ trường hợp Tập đoàn Samsung. Năm 2014, Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng cho sản phẩm Galaxy S4 và Tab, nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã không thể đáp ứng được dù chỉ là linh kiện đơn giản nhất và phải chấp nhận thất bại ngay trên “sân nhà”.

Một năm sau, để không bỏ lỡ cơ hội, 4 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã đạt cấp độ nhà cung ứng cấp 1 của Samsung và tiếp tục gia tăng số lượng nhà cung ứng cho Samsung trong những năm sau đó. Theo đó, số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp. Số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp. 240 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào đầu năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển lâu dài và định hướng để Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của Samsung. Ngoài Samsung, đến năm 2020, Toyota Việt Nam có tổng cộng 33 nhà cung cấp thì đã có 5 nhà cung cấp Việt Nam (chiếm 15,15%).

Bên cạnh các kết quả đạt được, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng còn những bất cập đáng kể, điển hình là tính lỏng lẻo trong liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI. Số liệu từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nhưng trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động.

Theo bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ và các địa phương, nhiều tổ chức đã có sự hỗ trợ cho ngành chế biến, chế tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhau. Tuy nhiên, yêu cầu của các doanh nghiệp FDI về nhà cung cấp chủ yếu xoay quanh chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng, yếu tố công nghệ…. Trong đó, vấn đề về giá và quản trị các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa cạnh tranh so với doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan.

cong nghiep phu tro lien ket doanh nghiep trong va ngoai nuoc con roi rac hinh anh 2Doanh nghiệp chế biến, chế tạo cần nâng cao năng lực sản xuất các cụm sản phẩm hoàn chỉnh.

Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp thiếu các công đoạn gia công để có cụm sản phẩm hoàn chỉnh, chủ yếu sản xuất các linh kiện rời. Với nguồn tài chính và quản trị còn kém, doanh nghiệp khó có thể tăng quy mô sản xuất hoặc thăng cấp từ nhà cung ứng cấp 2 lên cấp 1, đầu tư nâng cao năng lực… “Vì lý do này mà thời gian qua, việc liên kết doanh nghiệp trong nước với khối FDI còn rất khiêm tốn”, bà Trương Thị Chí Bình nói.

Để giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, bà Bình cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ họ nâng cao năng lực thông qua các chính sách khuyến khích chuyển đổi số, đầu tư vào sản xuất điện tử. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần khuyến khích doanh nghiệp FDI nội địa hóa bằng các chính sách về thuế, lao động, ưu tiên thu hút các FDI có định hướng rõ ràng về nội địa hóa…/.

CHIA SẺ TIN