Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đang ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo từ đó tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở Việt Nam những năm gần đây đã có bước chuyển mình tích cực, khi ngày càng gia tăng số DN có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tới nay, đã có khoảng 240 DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung; 1 DN Việt Nam cũng đã hợp tác để sản xuất và lắp ráp được những dòng xe cao cấp của Tập đoàn BMW (Đức) ngay tại Việt Nam.
Với lợi thế nhất định về kinh tế – chính trị cũng như vị trí phù hợp, Việt Nam đang trở thành điểm đến của hàng loạt DN đầu chuỗi. Trong đó, làn sóng dịch chuyển này sẽ đổ vào công nghiệp công nghệ cao, chip bán dẫn… Song nhiều chuyên gia cho rằng, để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành CNHT Việt Nam cần phát triển theo cả bề rộng và chiều sâu với quy mô lớn hơn, bao trùm hơn.
Riêng đối với việc mở rộng thị trường, ngoài việc xúc tiến đầu tư, Cục Công nghiệp sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành và khu vực liên kết ngành, để làm sao có DN đầu đàn đầu tư vào, kéo theo các doanh nghiệp CNHT, từ đó giảm giá thành của sản phẩm, tăng lợi thế của doanh nghiệp CNHT Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ sửa đổi, hoàn thiện các chính sách pháp luật, nhất là xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp CNHT. Trong đó có việc sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT, với đề xuất việc cấp bù lãi suất cho các DN sản xuất sản phẩm CNHT; đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm CNHT cũng như hỗ trợ các DN CNHT với nhiều cơ chế ưu đãi.