Cơ hội liên kết, hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ

Sáng 4-11, tại TP Đà Nẵng, Bộ Công Thương và UBND TP Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Đà Nẵng năm 2022 thu hút sự tham dự của gần 400 đại biểu là đại diện lãnh đạo các sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Hội, Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng chủ trì Hội nghị gồm có: ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng.
Các doanh nghiệp thăm quan và tìm hiểu sản phẩm CNHT.
Các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất, kinh doanh và cung ứng sản phẩm CNHT.

Phát triển còn chậm

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Mặc dù trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển CNHT nước nhà và lĩnh vực này đã có những bước tiến nhất định, song vẫn phát triển còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước và các yêu cầu khắt khe của hội nhập quốc tế. Tính đến nay, cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp CNHT, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành chế biến – chế tạo, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các sản phẩm CNHT chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm; năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các doanh nghiệp CNHT còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp thiếu mặt bằng sản xuất, gặp khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh…

Cục Công nghiệp cũng đề ra các giải pháp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ CNHT trong thời gian đến như: xây dựng dự thảo để trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Phát triển công nghiệp; bố trí nguồn lực hợp lý và thỏa đáng từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển CNHT, đồng thời huy động các doanh nghiệp trong nước cũng như thu hút đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực CNHT; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho CNHT; đẩy mạnh ứng dụng khi khoa học kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực CNHT; khai thác hợp lý nguồn tài nguyên trong nước phục vụ phát triển CNHT, hạn chế nhập khẩu nguyên vật liệu, v.v…

Các doanh nghiệp thăm quan và tìm hiểu sản phẩm CNHT.

Đề xuất từ các doanh nghiệp

Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển CNHT, tại hội nghị này, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã có những đề xuất thiết thực cũng như kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm xử lý tháo gỡ các khó khăn. Ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Trường Hải (Tập đoàn THACO) đề xuất Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành cần thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối CNHT nhằm làm cầu nối kết nối các doanh nghiệp CNHT để chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển. Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng Lê Hoàng Khánh Nhựt kiến nghị Bộ Công Thương và các địa phương tiếp tục có các cơ chế, chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển CNHT; quan tâm đến ngành sản xuất cơ bản để cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp hỗ trợ thay vì phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Ông Trần Thành Trọng, đại diện một doanh nghiệp sản xuất máy tính tại Bình Dương cho rằng, nếu được đầu tư tốt, các doanh nghiệp trong nước đủ sức sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao để thay thế hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, người dân còn tư duy, thói quen “sính” hàng ngoại. Do vậy, cần có các giải pháp hữu hiệu để hạn chế tư duy, thói quen này. Ông Phan Duy Phương, Phó Giám đốc Công ty Phương Quân đề xuất bố trí mặt bằng sản xuất vì hiện doanh nghiệp này đang gặp khó khăn về vấn đề này. Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Đà Nẵng đề nghị Bộ Công Thương Việt Nam hình thành trung tâm cơ sở dữ liệu CNHT Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng dễ dàng tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp CNHT Việt Nam cũng như liên kết, hợp tác; Chính phủ Việt Nam và các địa phương cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng như: sân bay, cảng biển, đường cao tốc, các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, v.v…
Chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư thúc đẩy, phát triển CNHT. Đơn cử, Sở Công Thương TP Hải Phòng chia sẻ về giải pháp phát triển công nghiệp chế biến chế tạo và CNHT của Hải Phòng; Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam chia sẻ những kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, phát triển CNHT tại Quảng Nam. Công ty CP Cao su Đà Nẵng giới thiệu về các sản phẩm CNHT săm lốp cao su thương hiệu DRC có chất lượng tốt, giá cả hợp lý với thị trường không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra 45 nước trên thế giới, đặc biệt là chinh phục được nhiều thị trường khó tính và khắt khe như: Hoa Kỳ, Châu Âu, v.v… Hay Công ty Năng lượng Phương Quân chuyên sản xuất các thiết bị, linh kiện phục vụ ngành năng lượng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Đặc biệt, tại hội nghị này, Ban tổ chức còn bố trí khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm CNHT của hơn 50 doanh nghiệp trong nước gồm: săm lốp cao su, sản phẩm điện tử, linh kiện cơ khí, phụ tùng ô-tô, bao bì, vật tư hóa chất, v.v… để các doanh nghiệp thăm quan và tìm hiểu trực tiếp để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Trên cơ sở đó, đã có 6 cặp doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác sản xuất, kinh doanh, cung ứng sản phẩm…

Tiếp tục hỗ trợ

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, trong những năm qua, TP Đà Nẵng đã ban hành, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển CNHT để cùng với công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin trở thành ba trụ cột phát triển ngành công nghiệp TP. Đặc biệt, Nghị quyết số 01-NQ/TU của Thành ủy Đà Nẵng về phát triển CNHT trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp CNHT tăng về số lượng và năng lực, có khả năng tạo ra các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, tập trung vào các sản phẩm như: linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và các dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu sản phẩm CNHT của các ngành công nghiệp ưu tiên; thu hút các công ty lớn trong nước và các tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào Đà Nẵng để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm trung gian, tác động lan tỏa phát triển CNHT…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho biết thêm, tại Việt Nam, CNHT nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 23 về định hướng phát triển CNHT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định phát triển CNHT là bước đột phá, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%. Nghị quyết 115 của Chính phủ cũng nêu rõ công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao vai trò của các địa phương, đặc biệt là TP Đà Nẵng – hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với những thế mạnh có sẵn nên còn nhiều dư địa để phát triển công nghiệp nói chung, CNHT nói riêng.

 

CHIA SẺ TIN