Cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho hai ngành công nghiệp “mũi nhọn” dệt may và da giày

Theo các báo cáo liên quan, đến thời điểm hiện tại, hai ngành công nghiệp lớn là dệt may và da giày đang vật lộn với vô vàn khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Để phục hồi cũng như phát triển lại trong thời gian tới thì hai ngành này cần phải chủ động các giải pháp.

Với ngành da giày, triển vọng năm nay và có thể sang cả năm 2022 là không mấy khả quan. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn không thể tiếp tục sản xuất; sản lượng sản xuất không đạt như mục tiêu. Còn ngành dệt may cũng cho thấy sự “hụt hơi” so với cùng kỳ năm 2020.

Khó khăn bủa vây

Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), việc giãn cách xã hội kéo dài khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang, những nơi tập trung nhiều DN da giày lớn trong các khu công nghiệp, phải ngừng sản xuất, do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Số DN tại miền Bắc, miền Trung cũng giảm công suất 30-50% do giãn cách xã hội, thiếu lao động.

Còn với ngành dệt may, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam nếu dịch còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, các DN không còn khả năng duy trì và ổn định sản xuất, khó giữ chân khách hàng tại Việt Nam.

Đại diện một số DN cho biết, phương án “ba tại chỗ” chỉ đảm bảo được 30-50% năng suất, nhưng chi phí tăng lên gấp 4,5 lần, doanh thu thì giảm 50%. Rủi ro, nguy cơ lây nhiễm chéo khi thực hiện “ba tại chỗ” rất cao, rất khó để duy trì dài lâu. Còn thực hiện phương pháp “1 cung đường, 2 điểm đến”, oái oăm là DN được hoạt động, nhưng công nhân bị xã, phường, thôn yêu cầu ở đâu ở yên đó, không cho đi lại.

Được biết, một doanh nghiệp dệt may lớn với quy mô gần 5.000 lao động đã phải nghỉ sản xuất trong vòng 1 tháng. Theo đó, riêng chi phí khấu hao khoảng 6 tỷ đồng/tháng; chi phí bảo hiểm vẫn phải đóng cho người lao động khoảng 4 tỷ đồng/tháng; chi phí lãi vay ngân hàng phải trả 1,5 tỷ đồng/tháng.

Cùng với đó, cộng thêm chi phí xét nghiệm test COVID-19 cho người lao động 2 tỷ đồng/tháng; chi phí đi vận chuyển bằng máy bay cho những đơn hàng gấp 4 tỷ đồng/tháng. Tổng cộng những chi phí cố định đó, công ty phải trả lên đến số tiền 17,5 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, công ty này vẫn đang trả lương cho người lao động, dù họ ở nhà không đi làm.

Theo tính toán sơ bộ, với một doanh nghiệp da giày với khoảng 9.000 lao động, chi phí triển khai các biện pháp phòng chống dịch mất khoảng 1 triệu USD, chưa kể chi phí đầu vào tăng từ 5-10%.

Cần các giải pháp để khắc phục khó khăn

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động sản xuất thương mại thì hàng dệt may và giày dép xuất khẩu đạt lần lượt 21,2 tỷ USD, tăng 9,7% và 12,6 tỷ USD, tăng 16,2%.

Đây thực sự là những tín hiệu thuận lợi cho đà tăng trưởng vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt và may mặc giảm 9,2%, giày dép các loại giảm 38,5%… thực sự là một thách thức với hai ngành công nghiệp mũi nhọn này.

Theo Bộ Công Thương, để khôi phục sản xuất, riêng với nhóm ngành dệt may, da giày, đơn vị này sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân khách hàng, chuỗi cung ứng.

Trước mắt là để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và tranh thủ những đơn đặt hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở các thị trường khu vực châu Âu, Mỹ để gia tăng sản lượng.

Cùng với đó, Bộ sẽ củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Giới chuyên gia cũng cho rằng riêng với nhóm ngành dệt may, da giày, Bộ Công Thương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân khách hàng, chuỗi cung ứng.

Được biết Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hoá ngành công nghiệp dệt may, da giày; phát triển dệt nhuộm trong nước, đảm bảo nhu cầu vải cho ngành.

Nguồn: congluan.vn

CHIA SẺ TIN