Khép lại năm 2023, ngành công nghiệp hỗ trợ đứng trước khó khăn chưa từng thấy khi sụt giảm mạnh đơn hàng. Ngay cả đầu tàu lớn nhất nước là Tập đoàn Thaco cũng giảm 20% doanh thu.
Kết quả sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo và sản xuất ô tô đang ảm đạm chưa từng thấy. Chia sẻ thực trạng này tại Hội nghị tổng kết Bộ Công Thương hôm 20/12, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Tập đoàn Thaco cho hay, năm 2023, doanh số ô tô bán ra của tập đoàn đạt hơn 96,500 xe các loại, giảm 25% so với năm 2022 (Gồm: hơn 80,000 xe Ô tô Du lịch; gần 15,000 xe Tải và 1,500 xe Bus, Mini Bus); chiếm 36% thị phần ô tô trong nước. Xuất khẩu hơn 2,500 xe, doanh thu đạt hơn 10 triệu USD;
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng cho biết: Ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất… song năm vừa rồi sức khỏe của doanh nghiệp “suy giảm khá nghiêm trọng”. Ước tính, doanh thu bình quân của ngành công nghiệp hỗ trợ giảm tới 40%.
Để tháo gỡ và phát triển, ông Phạm Văn Tài kiến nghị, Bộ Công Thương sớm hoàn thiện và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật công nghiệp trọng điểm vào Chương trình xây dựng Pháp luật năm 2024 để trình Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý, thực sự thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ, giảm thiểu rủi ro đối với các doanh nghiệp đầu tàu để liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển ngành Cơ khí & Công nghiệp hỗ trợ của đất nước”,